
Tuy nhiên, nếu thiền thực sự là điều gì đó khiến ta phải từ bỏ những khoái lạc đời thường để đổi lấy sự thiệt thòi và khổ hạnh, vậy thì người ta thiền để làm gì?
Khi thiền không phải để lánh đời
Ở phương Tây, thiền ngày càng trở thành một phương pháp phổ biến để cân bằng đời sống đầy áp lực và công nghiệp hóa. Trớ trêu thay, tại chính phương Đông cái nôi của thiền, giới trẻ lại đang bị cuốn theo lối sống tự do, tốc độ và khoái lạc kiểu Tây phương. Nhiều người tìm đến thiền như một trào lưu thời thượng hoặc đơn giản chỉ để tạm thời thoát khỏi sự xô bồ, bon chen trong cuộc sống hàng ngày.

Dường như, dù ở đâu, con người hiện đại vẫn đang gặp vấn đề với… sự sung sướng. Một số “tập thiền” như một hình thức trị liệu sau những giờ làm việc căng thẳng, hay sau khi mệt nhoài với những ham muốn chưa được thỏa mãn. Nhưng theo những nhà tư tưởng tâm linh như Osho, thiền không phải là một kỹ thuật hay bài tập, mà là một thái độ sống.
Sống với sự tỉnh thức
Theo Osho – một trong những nhân vật tâm linh có ảnh hưởng lớn nhất thế giới, bất kỳ hành động nào được thực hiện với sự nhận biết đều là thiền. Không quan trọng bạn đang làm gì, mà quan trọng là bạn hiện diện trong điều đó như thế nào.
Đi bộ có thể là thiền nếu bạn bước với sự chú tâm. Việc lắng nghe tiếng chim hót cũng là thiền nếu bạn thực sự tận hưởng từng âm thanh. Ngay cả ái ân, điều từng bị xem là điều cấm kỵ trong nhiều trường phái khổ hạnh cũng là thiền nếu bạn tiếp nhận nó như một lễ hội của thân xác, và tình yêu là ngôi đền thiêng.

Điều Osho nhấn mạnh không phải là từ bỏ khoái lạc, mà là tận hưởng chúng một cách trọn vẹn, với ý thức đầy đủ trong hiện tại, không cần những lời hứa hẹn về thiên đường sau cái chết.
Hạnh phúc là dấu hiệu bạn đang thiền
Thiền không phải để trốn tránh cuộc sống, mà để sống sâu sắc và thật hơn với chính mình. Khi bạn cảm thấy hạnh phúc, đó là lúc bạn đang thiền. Và bạn, với tất cả sự sống, xúc cảm và tỉnh thức của mình vĩ đại và thiêng liêng không kém gì một vị thần.
