
Tháng 5 năm 2013, một bài viết mang tên My Medical Choice xuất hiện trên trang The New York Times đã làm rúng động cộng đồng y khoa và công chúng toàn cầu. Tác giả của bài viết là Angelina Jolie, minh tinh Hollywood, người công khai chia sẻ việc chủ động cắt bỏ hai bên tuyến vú hoàn toàn khỏe mạnh nhằm ngăn ngừa ung thư vú. Ở tuổi 37, Jolie mang trong người đột biến gen BRCA1 một loại gen khiến khả năng mắc ung thư vú lên tới 87%. Sau phẫu thuật, con số ấy giảm xuống còn dưới 5%.
Không lâu sau, Jolie tiếp tục phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng một quyết định được xem là chưa từng có tiền lệ đối với một ngôi sao đương thời. Nhưng chính điều này đã khơi mào cho một cuộc thảo luận rộng lớn liệu on người có nên can thiệp dao kéo để loại bỏ những phần cơ thể còn đang khỏe mạnh, chỉ vì nguy cơ bệnh tật… trong tương lai?
Cuộc cách mạng âm thầm mang tên “cắt bỏ để sống”

Chưa đầy một tháng sau tuyên bố của Jolie, một doanh nhân người Anh giấu tên đã âm thầm cắt bỏ tuyến tiền liệt hoàn toàn khỏe mạnh. Ông mang gen BRCA2 lỗi, có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tiền liệt. Quyết định này, dù đi ngược lại y học bảo thủ thường chỉ phẫu thuật khi có dấu hiệu ung thư, lại được các bác sĩ tại Viện Nghiên cứu Ung thư London ủng hộ. Họ tin rằng trong kỷ nguyên của y học chính xác, những can thiệp “trước giờ G” sẽ ngày càng phổ biến ở những người mang gen đột biến hoặc có tiền sử gia đình đáng ngại.
Trường hợp của John Yavornik, một nha sĩ 52 tuổi với tiền sử gia đình nặng nề về ung thư tuyến tiền liệt, càng làm nổi bật nỗi ám ảnh di truyền và sự cần thiết của phẫu thuật phòng ngừa. Dù các chỉ số ban đầu và kết quả sinh thiết đều âm tính, trực giác và nỗi sợ hãi về căn bệnh đã cướp đi nhiều người thân đã thôi thúc ông tìm đến bác sĩ Arnon Krongrad để cắt bỏ tuyến tiền liệt. Ban đầu, Krongrad hoài nghi về tình trạng tâm lý của bệnh nhân. Tuy nhiên, sau khi tham vấn các chuyên gia đạo đức y học và luật sư, ông đã thực hiện ca phẫu thuật với lập luận: nếu việc cắt bỏ tuyến vú hay ruột kết để phòng ngừa ung thư là hợp lý, tại sao tuyến tiền liệt lại là ngoại lệ?
Nỗi ám ảnh di truyền ung thư
Kết quả sau ca phẫu thuật của John Yavornik khiến cả ê-kíp bất ngờ ung thư đã thực sự hình thành bên trong tuyến tiền liệt, dù chưa di căn. Việc loại bỏ cơ quan “có vẻ khỏe mạnh” đã cứu sống một người đàn ông tưởng chừng chỉ đang phóng đại nỗi sợ hãi. Câu chuyện của John đã đặt ra một câu hỏi lớn cho ngành y liệu chúng ta đã thấu hiểu đủ mối tương quan giữa yếu tố di truyền, cảm giác cơ thể và dữ liệu lâm sàng? Và khi nào thì nỗi sợ trở thành chẩn đoán, cần sự can thiệp y tế?
Giới chuyên môn hiện vẫn chia rẽ về phẫu thuật phòng ngừa. Một số bác sĩ cảnh báo nguy cơ lạm dụng, trong khi số khác lại xem đây là một nhánh y học mới – y học của phòng thủ chủ động. Đây là nơi con người không chờ bệnh đến mà lựa chọn đón đầu số phận, “hy sinh một phần” để bảo vệ toàn bộ, thay đổi hoàn toàn cách chúng ta đối mặt với căn bệnh ung thư.