
Sự lo lắng xen kẽ niềm hạnh phúc hiện diện rõ trong giọng nói của Phan Huy khi trò chuyện cùng tôi sau khi show diễn Phan Huy Couture Thu/Đông 2025 kết thúc. Dẫu không phải lần đầu trình diễn tại Paris, nhưng bộ sưu tập này là một cột mốc đặc biệt đánh dấu thời khắc chuyển mình của một thương hiệu Việt đang cố gắng vươn mình trên bản đồ thời trang quốc tế.
Giấc mơ trưa miền quê Việt giữa lòng Paris

Giữa lòng Paris đang hối hả vì tuần lễ Haute Couture, Phan Huy mang đến một “làn gió” nhẹ nhàng và thoáng đãng hơn. Bộ sưu tập, như chính anh miêu tả, là bức tranh đồng quê Việt Nam—yên ả, trong trẻo và đầy hoài niệm.
Vẻ đẹp bình dị của đất mẹ được Phan Huy phác họa bên trong không gian 22.000m² bê tông thô của Palais de Tokyo—trung tâm nghệ thuật đương đại lớn nhất nước Pháp, nơi từng là sàn diễn của các NTK danh tiếng như Rick Owens, Balmain, Gaurav Gupta… Những bức tường trơn lạnh, trần nhà cao và cột bê tông cứng cáp trở thành lớp nền cho những cấu trúc, dáng hình mộc mạc mà anh nói với tôi rằng đó là hình ảnh Việt Nam được thu nhỏ trong góc bếp, ngoài hiên nhà, ở sân vườn tại một buổi trưa oi ả của mùa hè.
Tôi không cố kể một câu chuyện lớn lao. Tôi chỉ muốn nhắc về những điều nhỏ bé nhưng từng rất đẹp và vẫn luôn đẹp trong ký ức của mỗi chúng ta.






Phan Huy chia sẻ mình đã dành suốt 8 tháng để thu nhặt lại những hình ảnh rải rác từ ký ức, gạn lọc từ lời kể, bức ảnh cũ, câu ca dao quen thuộc… đặt để những vật dụng dân dã lên phom dáng sang trọng. Anh đem xuống sàn diễn một chiếc đầm ấn tượng với những chiếc quạt giấy được đặt trên ngực, eo và hông.


Chiếc nón lá truyền thống được tái hiện bằng kỹ thuật thắt dây tinh xảo kết hợp cùng chi tiết pha lê lấp lánh. Hình ảnh lưới đánh cá, thuyền cá quen thuộc của người con miền Trung được mô phỏng đầy tinh tế qua chất liệu lưới đính kết pha lê, đường cắt nhô ra một bên hông. Trong khi, hình ảnh lá chuối, rơm rạ, bếp than ẩn mình trong cách đính lông vũ, draping, và phom dáng 3D điêu khắc phức tạp.

Kết hợp yếu tố truyền thống vào phom dáng đương đại chưa luôn là một thử thách lớn đối với các nhà thiết kế thời trang. Họ phải cân bằng được giữa việc tôn vinh và trưng dụng quá mức. Phan Huy cũng chia sẻ “việc dung hòa yếu tố truyền thống và xu hướng hiện đại trong thời trang không phải là việc đơn giản”. Trong Phan Huy FW25 Couture, anh đã biến “áo Nhật Bình” và “áo dài khăn đóng” thành các kiểu trang phục vị lai, nhưng vẫn giữ được giá trị không thể xê dịch. Hay kỹ thuật đan lát truyền thống được chuyển thể qua xử lý bề mặt vải như ứng dụng trên các hạt cườm.

Từ ngôn ngữ tạo phom cho đến cách xử lý chất liệu, mọi chi tiết đều mang chiều sâu văn hóa. Vẻ thô mộc, ánh sáng đồng quê và vẻ đẹp tự nhiên không tô điểm còn được diễn giải sâu sắc trên bảng màu trung tính, từ màu vàng mỡ gà, nâu đất, đỏ đun, xám tro, trắng vôi, beige, và ánh bạc.





“Chàng thơ” của Phan Huy
Bên cạnh những nàng thơ, bộ sưu tập còn là màn chào sân “chính thức” của các “chàng thơ” của Phan Huy—anh gọi những người đàn ông trong thế giới sáng tạo của mình như thế. Nhưng thật ra đây không phải là lần đầu Phan Huy thiết kế trang phục cho nam giới. Nhiều nghệ sĩ nam của nước nhà như MONO, Trúc Nhân,…đã từng diện trang phục của Phan Huy trên các sản phẩm âm nhạc và sân khấu trình diễn, qua đó đã gián tiếp biến giấc mơ ấp ủ về dòng đồ menswear của Phan Huy.

Hình mẫu “chàng thơ” của Phan Huy có khác biệt gì với “nàng thơ” của thương hiệu? Cũng giống như nhiều người tò mò sau khi theo dõi buổi trình diễn, tôi đã hỏi anh như thế. Phan Huy trả lời không một chút do dự rằng họ sẽ không có quá nhiều khác biệt. Chân dung của họ được phác họa bằng sự thơ mộng, đầy thi vị. Họ tôn vinh di sản truyền thống, văn hóa bản địa và tinh thần hội nhập thông qua ngôn ngữ truyền thống.

Trong Phan Huy FW25 Couture, họ khoác lên người những bộ suit thanh nhã hơn là uy quyền. Chúng được làm bằng chất liệu mỏng, xuyên thấu, bề mặt được xử lý bằng kỹ thuật đính pha lê thời thượng hay lông vũ mềm mại; thậm chí cách tạo kiểu thắt lưng cũng thơ mộng hơn. Trong khi đó, chiếc tank top lưới được đính kết pha lê tinh xảo trên bề mặt không chỉ mang đến hiệu ứng thị giác ấn tượng, mà còn gợi mở một khía cạnh phức cảm hơn của phái mạnh.

Màn chào sân tuy ngắn ngủi, nhưng những “chàng thơ” của Phan Huy đủ sức khiến khán giả tò mò, phấn khích và kỳ vọng vào những bước tiến sắp đến. Chính nhà thiết kế cũng đang trông đợi điều đó như anh đã chia sẻ cùng tôi.
Phan Huy chọn cách câu chuyện thời trang về quê hương thật nhẹ nhàng như hệt khi người ta mỉm cười lúc ngửi được mùi rơm cháy hay nghe tiếng gió lùa qua khóm tre sau nhà. Qua ngôn ngữ thời trang duy mỹ của Phan Huy FW25 Couture, anh mong rằng bộ sưu tập lần này của mình sẽ là nơi để những người xa xứ trở về thăm đất mẹ.
Esquire Vietnam