
Dù thế giới chưa chính thức bước vào một cuộc suy thoái kinh tế, những dấu hiệu cảnh báo đang ngày càng rõ rệt. Trong những tháng đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục biến động, với cú sụt mạnh của chỉ số VNIndex (VNI) vào giữa tháng Tư khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Song song đó, lĩnh vực ngân hàng cũng chịu áp lực, từ nguy cơ nợ xấu gia tăng đến những bất ổn về thanh khoản, tất cả tạo nên bức tranh ảm đạm dần hiện rõ.
Không chỉ ở Việt Nam, trên phạm vi toàn cầu, nhiều chuyên gia tài chính đã bắt đầu lên tiếng cảnh báo. Theo một báo cáo gần đây của Business Insider, các nhà phân tích đang điều chỉnh dự báo theo hướng tiêu cực, với khả năng nền kinh tế thế giới sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm hoặc thậm chí là thu hẹp.
Vậy chúng ta có thể làm gì?
Nếu bạn chưa từng trải qua một cuộc suy thoái kinh tế, hãy liên tưởng đến giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19. Lúc ấy công việc ít hơn, thu nhập giảm, thói quen chi tiêu buộc phải thay đổi, và chỉ những gì thực sự thiết yếu mới được ưu tiên. Cũng tương tự như vậy, suy thoái kinh tế đòi hỏi mỗi cá nhân phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để “sống sót” qua thời kỳ khó khăn.
1. Ưu tiên thanh toán các khoản nợ
Không phải mọi khoản nợ đều xấu, nhưng trong giai đoạn suy thoái, việc trả trước các khoản nợ có lãi suất cao như thẻ tín dụng hoặc vay tiêu dùng là cực kỳ quan trọng. Lãi suất cao sẽ “ăn mòn” thu nhập của bạn mỗi tháng, và trong khi thu nhập có thể bị cắt giảm, áp lực nợ sẽ trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Hãy xác định những khoản nợ đang “đốt tiền” nhiều nhất, và xử lý dứt điểm chúng trước khi quá muộn.
2. Xây dựng quỹ khẩn cấp
Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong quản lý tài chính cá nhân là luôn duy trì một quỹ khẩn cấp tương đương với ít nhất ba đến sáu tháng chi phí sinh hoạt. Đây chính là “áo phao tài chính” giúp bạn trụ vững trong những tình huống bất ngờ như mất việc, bị cắt giảm thu nhập, gặp tai nạn, hoặc phát sinh chi phí y tế đột xuất. Khi đã chuẩn bị quỹ này, bạn không cần phải bán tháo tài sản, rút vốn đầu tư trong lúc thị trường đang giảm, hay tệ hơn là phải vay mượn thêm trong lúc đang gặp khó khăn.
Số tiền trong quỹ khẩn cấp nên được gửi vào một tài khoản tiết kiệm riêng biệt, tốt nhất là có lãi suất để vừa đảm bảo tính thanh khoản, vừa sinh lời ở mức cơ bản. Với những ai chưa có khoản dự phòng, bạn có thể bắt đầu bằng cách gửi tích lũy từng phần nhỏ. Hiện nay, nhiều ngân hàng cung cấp dịch vụ tiết kiệm tích lũy cho phép bạn gửi tiền bất kỳ lúc nào có thể, thay vì phải đợi đến cuối tháng hoặc đủ một khoản lớn.

Ngoài quỹ khẩn cấp, bảo hiểm cũng là một hình thức dự phòng không thể bỏ qua. Đặc biệt trong giai đoạn có nguy cơ mất việc. Hãy nhớ rằng nếu bạn nghỉ việc hoặc bị cho thôi việc, các quyền lợi bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ, hay bảo hiểm tai nạn do công ty cung cấp có thể sẽ chấm dứt theo. Vì vậy, bạn cần chủ động kiểm tra lại tình trạng các hợp đồng bảo hiểm hiện có và lên kế hoạch duy trì những quyền lợi này một cách độc lập, không phụ thuộc vào công việc.
Đồng thời, đây cũng là lúc thích hợp để xem lại các hợp đồng bảo hiểm cá nhân như bảo hiểm nhà, xe, tài sản… Bạn có thể cân nhắc thương lượng lại phí hoặc điều chỉnh các điều khoản sao cho phù hợp với khả năng tài chính hiện tại, miễn là vẫn giữ được mức độ bảo vệ cần thiết.
3. Tìm kiếm nguồn thu phụ
Không bao giờ là thừa khi bạn có thêm một nguồn thu nhập dù là từ công việc freelance, bán hàng online, cho thuê tài sản, hay đầu tư nhỏ. Trong suy thoái, thị trường lao động trở nên khó khăn, vì vậy một nguồn thu phụ sẽ giúp bạn giảm bớt áp lực tài chính đáng kể.
Ngoài ra, việc phát triển nguồn thu phụ còn giúp bạn nâng cao kỹ năng, mở rộng mối quan hệ và thậm chí có thể là bước đệm cho những cơ hội nghề nghiệp mới. Ví dụ, nếu bạn có kỹ năng thiết kế, viết lách, dịch thuật hay dạy học, bạn có thể tận dụng các nền tảng trực tuyến để làm việc tự do. Với những ai có sản phẩm hoặc sở thích thủ công, việc bán hàng online qua mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử cũng là lựa chọn hợp lý.
Nếu bạn sở hữu tài sản như căn phòng trống, xe cộ, hoặc thiết bị ít sử dụng, hãy cân nhắc cho thuê để tạo thêm thu nhập thụ động. Còn nếu có chút vốn nhàn rỗi, đầu tư vào các kênh an toàn như trái phiếu, vàng, hoặc tiết kiệm linh hoạt cũng là một cách để đồng tiền không nằm yên một chỗ.
4. Cân nhắc và đánh giá các khoản đầu tư
Khi lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng, nhiều nhà đầu tư thường phản ứng theo cảm tính: bán cổ phiếu hoặc trái phiếu vì sợ giá sẽ giảm sâu, rồi chờ đến khi thị trường ổn định mới quay lại. Tuy nhiên, chiến lược này dễ khiến danh mục đầu tư giảm hiệu quả.
Trên thực tế, thị trường chứng khoán thường đi trước diễn biến của nền kinh tế. Nghĩa là khi suy thoái chính thức xảy ra, phần lớn tổn thất đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Không ít trường hợp, thị trường bắt đầu phục hồi ngay từ giai đoạn cuối của suy thoái, khi cổ phiếu đã chạm đáy và bật tăng trở lại.
Nếu đợi suy thoái qua đi mới đầu tư lại, bạn có thể đã bỏ lỡ mức giá tốt nhất. Lịch sử còn cho thấy nhiều phiên tăng mạnh nhất của thị trường diễn ra ngay trong giai đoạn thị trường giảm sâu. Bỏ lỡ những ngày này có thể ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận dài hạn.
Ngoài ra, việc cố “bắt đáy” hay “thoát đỉnh” thường rủi ro, nhất là khi tâm lý thị trường xấu đi. Niềm tin giảm sút không đồng nghĩa với suy thoái sắp xảy ra, và ngược lại, suy thoái đôi khi đến ngay cả khi thị trường còn đang lạc quan.
Vì vậy, thay vì rút khỏi thị trường, nhà đầu tư nên duy trì danh mục một cách kỷ luật và linh hoạt điều chỉnh theo bối cảnh. Tin tích cực là các thị trường giá xuống thường ngắn hạn trung bình kéo dài khoảng 7 tháng trong khi thị trường tăng trưởng sau đó thường kéo dài hơn một năm.

5. Tiếp tục đầu tư
Nhưng những lo ngại trên không phải là sự kết thúc của những hoạt động đầu tư. Trong giai đoạn suy thoái, các lĩnh vực như ngân hàng và bất động sản thường chịu ảnh hưởng nặng nề. Khi nhu cầu vay vốn, mua nhà giảm sút, cổ phiếu ngân hàng dễ mất giá, bất động sản cũng kém thanh khoản. Đây không phải là lúc phù hợp để mua vào những tài sản dễ “kẹt vốn”.
Thay vì mạo hiểm, hãy chuyển hướng sang các lĩnh vực thiết yếu như hàng tiêu dùng, y tế, dược phẩm nơi có sức chống chịu tốt trong khủng hoảng. Đây là những ngành phục vụ nhu cầu cơ bản của người dân, nên dù kinh tế khó khăn, dòng tiền vẫn có xu hướng chảy vào. Lợi nhuận có thể không vượt trội, nhưng tính ổn định và khả năng bảo toàn vốn sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn bất ổn một cách an toàn.