
Cá hồi không còn là một món ăn bạn có thể tìm thấy ở nhà hàng sushi hay nhà hàng Tây vì gợi lên cảm giác cao cấp. Tuy nhiên sản vật vùng lạnh đắt đỏ nay lại dễ dàng tìm thấy trong các siêu thị như một món “thịt sạch” bình dân?
Câu trả lời nằm ở một trong những ngành công nghiệp thực phẩm phát triển nhanh nhất thế giới – nuôi cá hồi. Và ẩn dưới lớp thịt óng ả kia là những câu chuyện ít được kể về môi trường, dịch bệnh, thuốc kháng sinh và đạo đức thực phẩm.
Vỏ ngoài thời thượng cho giấu bí mật của cá hồi

Khoảng 70% cá hồi trên thị trường toàn cầu đến từ nuôi trồng công nghiệp, chủ yếu ở Na Uy, Chile và Canada. Tại đây, hàng triệu con cá được nuôi trong các lồng nổi khổng lồ giữa biển, với mật độ dày đặc lên đến hàng trăm nghìn con mỗi bè.
Vòng đời cá hồi được chuẩn hóa thành các giai đoạn ấp trứng, nuôi tăng trọng, vỗ béo rồi thu hoạch, diễn ra trong vòng 2-3 năm. Điều này giúp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng toàn cầu nhưng cũng đồng nghĩa với việc môi trường sống của cá bị công nghiệp hóa thành “dây chuyền sống” không khác gì ngành chăn nuôi heo hay gà.
Cá hồi hoang dã có màu thịt cam nhờ chế độ ăn tự nhiên giàu astaxanthin – một sắc tố chống oxy hóa từ tôm, cua và sinh vật phù du. Nhưng trong môi trường nuôi nhốt, cá hồi không ăn được những thứ đó. Thay vào đó, người ta pha màu vào thức ăn, bổ sung chất tổng hợp astaxanthin hoặc canthaxanthin để thịt cá trông “tự nhiên”.
Tồi tệ hơn, khẩu phần ăn của cá hồi nuôi ngày càng trở nên… không giống cá khi được cấu thành bởi bột đậu nành, gluten, lông gia cầm, dầu thực vật để cắt giảm chi phí. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hàm lượng omega-3 mà còn đặt ra câu hỏi về mức độ “sạch” và “lành mạnh” của món cá bạn đang ăn.
“Rỗng ruột” tự nhiên
Hàng chục nghìn con cá sống trong một lồng lưới. Chỉ cần một con nhiễm bệnh, cả trại nuôi có thể bị ảnh hưởng. Rận biển, virus thiếu máu ISAv, ký sinh trùng đường máu là những căn bệnh đáng sợ lây lan trong môi trường nuôi nhốt. Các công ty buộc phải sử dụng kháng sinh, thuốc trừ rận và hóa chất tẩy rửa để kiểm soát dịch.
Vấn đề là không phải lúc nào những hóa chất ấy cũng tan biến hết. Dư lượng kháng sinh có thể tồn tại trong cá thành phẩm. Chưa kể khi cá nuôi xổng ra biển thì chúng mang theo bệnh, lây sang cá hồi hoang dã và gây ra thảm họa di truyền.

Các trại nuôi để lại gì cho biển cả? Phân cá, thức ăn thừa, kim loại nặng từ lồng nuôi, thuốc hóa học lắng xuống đáy biển tạo nên vùng chết sinh học quanh khu vực nuôi. Tại một số nơi, lớp bùn đen độc hại dưới đáy có thể dày đến cả mét.
Song song đó, việc khai thác cá mồi (như cá cơm, cá trích) để làm thức ăn cho cá hồi lại gây sức ép lên các quần thể cá tự nhiên. Vòng tròn khép kín để nuôi một con cá “cao cấp”, chúng ta đang hủy hoại cả hệ sinh thái biển.
Cá hồi có còn tự nhiên

Bạn nghĩ cá hồi hoang dã là cá lớn lên hoàn toàn trong tự nhiên? Không hẳn. Tại nhiều nơi, cá được ấp trong trại giống, nuôi đến khi đủ khỏe rồi thả ra biển, chờ chúng lớn lên và quay lại đẻ trứng để tiếp tục chu kỳ. Đây là hình thức “tái tạo có điều khiển” được hợp pháp hóa, nhưng nhiều nhà sinh thái học cảnh báo: nó không khác gì… nuôi rồi thả, rồi bắt.
Cá hồi không xấu. Nhưng điều đáng nói là chúng ta đang ăn một sản phẩm của công nghiệp hóa, được tạo nên bằng công thức của lợi nhuận và tiếp thị, chứ không còn là món quà tinh khiết từ đại dương.
Đằng sau mỗi lát sashimi là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô, với nhiều góc khuất chưa được mổ xẻ đủ sâu. Đã đến lúc, người tiêu dùng cần tỉnh táo đừng chỉ ăn bằng mắt mà hãy tiêu dùng bằng ý thức.