Hành trình theo dấu tâm linh Ấn Độ

Từ Bodhgaya đến Varanasi và Đền Vàng Amritsar, ba lát cắt tâm linh, văn hóa, ba sắc thái thiêng liêng của một Ấn Độ muôn mặt.
By |
Facebook
india
Ảnh: PTI Photo

Giữa một Ấn Độ đầy bụi đường, tiếng kèn xe và dòng người hối hả, vẫn có những vùng đất khiến thời gian như ngừng lại – nơi tín ngưỡng, tôn giáo và thiền định đan xen trong từng hơi thở. Hành trình về các thánh địa tâm linh của đất nước này không chỉ là một chuyến đi, mà còn là cuộc trở về bên trong chính mình.

Varanasi: Trái tim ling thiêng của đạo Hindu

Varanasi – một trong những thành phố cổ nhất thế giới với lịch sử hơn 3.000 năm được xem là thánh địa thiêng liêng nhất của đạo Hindu. Nhà văn Mark Twain từng viết: “Varanasi xưa hơn lịch sử, xưa hơn truyền thống, thậm chí xưa hơn cả huyền thoại và trông như xưa gấp đôi tất cả những cái đó cộng lại.”

Khúc sông Hằng chảy qua Varanasi được coi là linh thiêng nhất. Hàng triệu tín đồ hành hương đến đây để tắm gột rửa tội lỗi, cầu tự, và tiễn biệt người thân qua nghi lễ hỏa táng bên bờ sông tro cốt được thả trôi với hy vọng đưa linh hồn về thiên giới.

india-2
Dev Deepawali (Lễ hội Ánh sáng của các vị thần) – Lễ hội lớn nhất và thiêng liêng nhất ở Varanasi. Ảnh: X @narendramodi

Khoảnh khắc bình minh trên sông Hằng luôn là điều ai đến đây cũng khao khát chinh phục. Nếu không muốn bỏ lỡ, hãy thức dậy sớm, đứng bên bờ sông ngắm mặt trời mọc hoặc thuê thuyền nhỏ trôi nhẹ trên làn nước huyền ảo. Varanasi còn sở hữu hàng trăm ngôi đền cổ với giá trị văn hóa – kiến trúc đặc biệt. Cách đó 15km là Sarnath – Lộc Uyển xưa – gắn liền với buổi giảng pháp đầu tiên trong lịch sử Phật giáo.

Bodhgaya: Nơi ánh sáng giác ngộ bắt đầu

Trong tiếng gió nhẹ lướt qua những hàng cây bồ đề cổ thụ ở Bodhgaya, người ta vẫn có thể cảm nhận được sự tĩnh lặng thiêng liêng – nơi Đức Phật Thích Ca đã đạt giác ngộ sau 49 ngày thiền định dưới gốc cây bồ đề. Ngày nay, đây là thánh địa linh thiêng bậc nhất của Phật giáo, thu hút hàng triệu tín đồ từ khắp thế giới tìm về như một cuộc hành hương nội tâm.

Không gian quanh Đại Tháp Mahabodhi, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, luôn vang vọng tiếng tụng kinh bằng nhiều thứ tiếng khác nhau – từ Pali, Tây Tạng cho đến Nhật Bản. Dưới gốc cây bồ đề – hậu duệ trực tiếp của cây nguyên thủy, người hành hương ngồi thiền trong im lặng, như thể thời gian đang ngưng lại.

Từ Bodhgaya, hành trình tiếp tục đến Sarnath, nơi Đức Phật lần đầu chuyển bánh xe pháp, khai mở con đường Trung đạo. Đến Kushinagar, ta bắt gặp không khí trầm mặc nơi Đức Phật nhập niết-bàn. không phải là cái kết, mà là sự giải thoát. Và cuối cùng, vượt qua biên giới Nepal là Lumbini, nơi Hoàng hậu Maya sinh Thái tử Tất Đạt Đa giữa vườn Sala rợp bóng – khởi đầu cho một hành trình thức tỉnh vĩ đại.

india-3
Đại Phật (Great Buddha Statue) là một trong những biểu tượng nổi bật của Bodh Gaya. Tượng cao khoảng 25 mét, được khánh thành vào năm 1989, mô tả Đức Phật trong tư thế ngồi thiền (dhyana mudra), làm bằng đá sa thạch và granite. Ảnh: Getty Images

Đền Vàng: Biểu tượng tâm linh của đạo Sikh

Nằm ở thành phố Amritsar (bang Punjab), cách thủ đô Delhi khoảng 428km, Đền Vàng – Golden Temple là trung tâm tín ngưỡng thiêng liêng nhất của đạo Sikh. Với mái vòm dát 750kg vàng nguyên chất, ngôi đền mang phong cách kiến trúc giao thoa giữa Hindu giáo và Hồi giáo.

Khác với những đền Hindu quay về hướng Đông hay đền Hồi giáo quay về Tây, Đền Vàng Hari Mandir lại chọn vị trí trung hòa, thể hiện tinh thần bao dung. Tại đây, bản kinh gốc Guru Granth Sahib được lưu giữ và liên tục được các giáo sĩ luân phiên đọc qua hệ thống loa suốt cả ngày.

india-4
Ảnh: Britannica

What to read next

Hành trình đến nơi đây là chuyến du ngoạn xuyên suốt các triều đại, các tôn giáo, và các phong cách kiến trúc từ thời cổ đại đến thời thực dân Anh.
Rực rỡ, hào nhoáng, huyền bí – Rajasthan luôn mang đến cảm giác như bước vào một bộ phim sử thi. Nếu bạn đang lên kế hoạch khám phá Ấn Độ, đừng bỏ qua bang của những vị vua này.