Giải mã những bí ẩn bất ngờ từ các tác hội họa kinh điển

Không chỉ làm sáng tỏ cuộc sống và tâm trí của nghệ sĩ, những bí ẩn được bật mí này còn tiết lộ cách não bộ con người tiếp nhận và phản chiếu thế giới qua hội họa.
By |
Facebook
bi-an-2
Bức tranh sơn dầu “Christ in the Storm on the Sea of ​​Galilee” (1633) của họa sĩ Rembrandt van Rijn . Ảnh: gardnermuseum.org

Nghệ thuật thị giác chất chứa nhiều tầng lớp ý nghĩa – từ biểu tượng ẩn dụ đến dấu vết của bệnh lý, tâm lý hay những biến cố lịch sử. Đằng sau vẻ ngoài hoàn mỹ của hội họa là những bí ẩn chưa lời giải. Những phát hiện mới trong y học, thần kinh học và nghiên cứu văn hóa đang mở ra hướng tiếp cận khác trong việc lý giải các kiệt tác từng được xem là thuần túy nghệ thuật.

“Tiếng thét” – Khi rối loạn loạn thần được phản chiếu từ một thảm họa thiên nhiên

Bức tranh The Scream (Tiếng thét) của họa sĩ Edvard Munch từ lâu đã được xem là một biểu tượng tối thượng của chủ nghĩa biểu hiện hiện đại. Tuy nhiên, ít ai biết rằng khung cảnh siêu thực trong tranh bầu trời đỏ rực như máu, khuôn mặt vặn xoắn, tan chảy trong nỗi sợ hãi không hoàn toàn là sản phẩm của tưởng tượng.

bí-an (3)
Tác phẩm “Tiếng Thét” của họa sĩ Edvard Munch (1893). Ảnh: .edvardmunch.org

Trong nhật ký cá nhân, Munch từng viết về trải nghiệm kinh hoàng khi ông đứng trên một con đường gần Oslo và cảm thấy như “một tiếng thét khổng lồ và vô tận xuyên qua thiên nhiên”. Theo các nhà nghiên cứu, hình ảnh bầu trời đỏ dữ dội được Munch miêu tả nhiều khả năng là hậu quả trực tiếp của vụ phun trào núi lửa Krakatoa vào ngày 27 tháng 8 năm 1883. Sự kiện đã giết chết hơn 36.000 người và làm giảm nhiệt độ khí quyển toàn cầu. Tro bụi từ vụ nổ lan đến tận châu Âu vào cuối năm đó, tạo nên những hoàng hôn kỳ dị, nhuộm sắc đỏ như lửa hiện tượng được ghi nhận trong nhiều tài liệu thời kỳ đó, và có lẽ đã in sâu vào tâm trí lẫn tâm hồn phức tạp Munch.

Michelangelo và những dấu hiệu của bệnh gút trong tranh của Raphael

Trong kiệt tác bích họa thời Phục Hưng – Trường học Athens của họa sĩ Raphael, các triết gia Hy Lạp cổ đại được tái hiện bằng chân dung của những người đương thời. Michelangelo, nhà điêu khắc và họa sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ, khi ấy đang làm việc tại Nhà nguyện Sistine, đã trở thành hình mẫu để Raphael phác họa nhân vật Heraclitus.

bí-an (2)
Bức bích họa “Trường học Athens” của họa sĩ Raphael. Ảnh: iDesign VN

Theo tiến sĩ Carlos Hugo Espinel, một chi tiết đầy bí ẩn trong bức bích họa cho thấy Michelangelo có thể đã mang những dấu hiệu điển hình của bệnh gút – một dạng viêm khớp gây đau đớn, thường ảnh hưởng đến đầu gối, kèm theo sỏi thận và rối loạn bàng quang. Chẳng ai còn xa lạ với đời sống khắc khổ của Michelangelo. Ông chỉ ăn rất ít bánh mì và uống rượu cho qua bữa, trong khi thường xuyên tiếp xúc với sơn chứa chì – những yếu tố có thể góp phần làm trầm trọng tình trạng bệnh lý. Các đoạn nhật ký cá nhân của ông cũng nhiều lần đề cập đến các triệu chứng liên quan đến thận và bàng quang. Nếu chẩn đoán này là chính xác, nó không chỉ hé lộ một góc khuất về thể chất của Michelangelo, mà còn mở ra một lớp bí ẩn khác xoay quanh nội lực sáng tạo phi thường của ông – người vẫn làm nên những kỳ tích nghệ thuật trong điều kiện thể xác đau đớn tột cùng.

Rembrandt và thị lực lệch chuẩn giúp định hình thiên tài thị giác

Họa sĩ Rembrandt van Rijn, tượng đài của Thời Hoàng kim Hà Lan, đã để lại hàng trăm tác phẩm chân dung với kỹ thuật ánh sáng đỉnh cao và chiều sâu cảm xúc tinh tế. Tuy nhiên, các nhà khoa học phát hiện ra một bí ẩn: trong phần lớn chân dung tự họa, đôi mắt của Rembrandt không nhìn về cùng một hướng một dấu hiệu điển hình của tật lác mắt.

Theo tiến sĩ Margaret Livingstone, người mắc chứng lác thường không thể tiếp nhận hình ảnh lập thể từ cả hai mắt cùng lúc, dẫn đến việc não chỉ xử lý thế giới dưới dạng hai chiều. Điều này vô tình trở thành một lợi thế trong hội họa, vốn là quá trình tái hiện không gian ba chiều trên mặt phẳng hai chiều. Nghiên cứu sâu hơn còn chỉ ra tỉ lệ mắc tật lác cao bất thường trong cộng đồng nghệ sĩ và sinh viên mỹ thuật, gợi mở giả thuyết rằng một số đặc điểm thị giác không “chuẩn” có thể chính là nền tảng cho sự vượt trội trong nghệ thuật.

bí-an (1)
Bức tranh sơn dầu “Bài học giải phẫu của Tiến sĩ Nicolaes Tulp” (1632) của Rembrandt. Ảnh: Mauritshuis

Bí ẩn: Tại sao các chân dung thường để lộ má trái?

Một khảo sát trên hàng nghìn bức chân dung trong lịch sử nghệ thuật cho thấy một quy luật đặc biệt: khuôn mặt người mẫu thường quay sang phải, để lộ phần má trái nhiều hơn. Theo Sam Kean, tác giả cuốn The Tale of the Dueling Neurosurgeons, nếu tư thế quay mặt là ngẫu nhiên, thì tỉ lệ hướng mặt sang trái – phải – chính diện phải tương đương nhau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có đến 60% người mẫu quay má trái về phía họa sĩ, tức gần gấp đôi mức thông thường.

Các nghiên cứu thần kinh học lý giải hiện tượng này dựa trên sự bất đối xứng trong cách bộ não xử lý cảm xúc: nửa khuôn mặt bên trái có xu hướng biểu đạt cảm xúc rõ nét hơn. Trẻ em khi vẽ người hoặc được chụp ảnh cũng vô thức chọn góc mặt này. Với các họa sĩ cổ điển, việc lựa chọn góc má trái không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà còn là phương tiện thể hiện nội tâm nhân vật một cách hiệu quả hơn.

bi-an
Bức họa chân dung nổi tiếng “Mona Lisa”. Ảnh: Wikipedia

Nghệ thuật không chỉ là cái đẹp – mà còn là nơi lưu giữ ký ức, nỗi đau và cả những biến cố của lịch sử nhân loại

Từ sắc đỏ bất thường trong một bức tranh đến ánh mắt lệch hướng của người nghệ sĩ, các kiệt tác hội họa đang dần được bóc tách từng lớp lang bí ẩn dưới những lăng kính khoa học hiện đại. Mỗi dấu vết, mỗi chi tiết tưởng như ngẫu nhiên đều có thể là chìa khóa mở ra những câu chuyện chưa từng được kể về sức khỏe, tâm lý, thời cuộc và sự kiên cường của các thiên tài. Khi nghệ thuật gặp gỡ khoa học, lịch sử không chỉ được tái hiện, mà còn được thấu hiểu sâu sắc hơn bao giờ hết.

What to read next

Phát triển nghệ thuật đương đại tại một trong những quốc gia bảo thủ nhất thế giới chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhưng ngay trong lòng của những giới hạn, vẫn có những nghệ sĩ âm thầm phá vỡ quy chuẩn để định nghĩa lại bản sắc sáng tạo của Ả Rập Saudi.
Hành trình đến nơi đây là chuyến du ngoạn xuyên suốt các triều đại, các tôn giáo, và các phong cách kiến trúc từ thời cổ đại đến thời thực dân Anh.