
Từ lâu, Nhật Bản đã khiến thế giới ngưỡng mộ bởi khả năng chắt lọc tinh thần phương Đông vào những hình thái nghệ thuật mang tính thiền định sâu sắc. Trong số đó, karesansui hay vườn đá là thú chơi mà bạn chỉ có thể tìm thấy tại xứ sở mặt trời mọc. Từ những tảng đá vô tri, người Nhật đã tạo nên một không gian yên lặng, giàu triết lý và tràn đầy sự tinh tế, nơi con người có thể đối thoại với chính mình thông qua từng đường cào gợn sóng.
Kết hợp triết lý thiền vào thiết kế không gian
Vườn đá Nhật Bản là nơi thiên nhiên được biểu đạt thông qua sự sắp đặt có chủ ý của đá, sỏi, rêu và đôi khi là vài cụm cây nhỏ. Sự vắng bóng của nước thật lại không làm vơi đi cảm giác hiện diện của sông ngòi bởi những đường cào trên lớp đá vụn đã làm sống dậy hình ảnh những con sóng đang chuyển động trong im lặng.
Khác với vườn Trung Hoa vốn ưa chuộng sự đồ sộ, kịch tính vườn đá Nhật bản lặng lẽ và sâu lắng. Trong sự tối giản đó là cả một hệ quy tắc khắt khe, nơi mọi tảng đá đều có vị trí, vai trò và mối quan hệ với nhau. Vẻ đẹp không đến từ sự phô trương mà đến từ sự hài hòa tuyệt đối giữa vật thể và khoảng trống, giữa cái hữu hình và cái vô hình.
@portlandjapanesegarden The Sand and Stone Garden at Portland Japanese Garden Gardens of raked sand or gravel and stone are referred to as karesansui gardens which literally translates to “dry landscape.” This style was developed in Japan in the late Kamakura period (1185–1333) and an important Japanese aesthetic principle underlying these dry landscape gardens is yohaku-no-bi, meaning “the beauty of blank space.” #portlandjapanesegarden #japanesehistory #japaneseculture #japanesegarden #karesansui #kamakura
♬ Morning Dew – ratio 11
Sakuteiki – cuốn cẩm nang cổ nhất về nghệ thuật làm vườn Nhật Bản đã đặt nền móng cho nghệ thuật bố trí đá trong vườn đá karesansui. Theo đó, đá được phân loại thành năm hình thức chính: đứng cao, đứng thấp, vòm, nghiêng và phẳng. Mỗi loại đại diện cho một yếu tố của tự nhiên núi, sông, biển hay ranh giới địa lý.
Trong bố cục, đá không được đặt theo đường thẳng hoặc đối xứng hoàn hảo. Một tảng đá “bỏ chạy” luôn cần một tảng “đuổi theo”. Một tảng đứng nghiêng phải được cân bằng bằng một tảng khác đối diện. Đó là quy tắc triết lý rằng không có vật thể nào tồn tại đơn độc, mọi sự chuyển động đều có nguyên nhân và sự đối trọng.
Mặt đẹp nhất của đá luôn hướng về điểm ngắm thường là một hiên nhà hoặc nơi cố định ngoài vườn. Vị trí này không chỉ là nơi thưởng ngoạn, mà còn là điểm tiếp xúc duy nhất giữa người quan sát và thế giới vườn một giới hạn mờ giữa hiện thực và nội tâm.
Ý nghĩa sắp xếp trong vườn đá Nhật Bản

Đá trong vườn đá Nhật Bản hiếm khi đứng riêng lẻ. Cách sắp xếp phổ biến là theo cụm ba: một tảng lớn đứng cao và hai tảng nhỏ hơn nằm kề bên. Hoặc cụm hai: một đá đứng, một đá nghiêng. Những nhóm đá này được tổ chức để gợi liên tưởng như cha mẹ và con cái, như người dẫn đường và người theo sau.
Kể từ giữa thế kỷ 19, khuynh hướng sắp đặt tự do các viên đá nhỏ đặt ở vị trí ngẫu nhiên bắt đầu xuất hiện. Dù ngẫu nhiên, chúng vẫn tuân thủ triết lý cốt lõi: tạo cảm hứng thị giác mà không phá vỡ bố cục tổng thể.
Nếu việc sắp đá là một bài toán logic mang tính biểu tượng, thì cào đá là nghệ thuật chuyển động tĩnh lặng. Những đường gợn được tạo nên trên lớp đá vụn không chỉ gợi hình ảnh sông nước mà còn phản ánh dòng suy nghĩ trôi chảy trong tâm trí người tạo hình. Không có khuôn mẫu cố định nào. Mỗi lần cào lại là một lần làm mới bản thân, thử thách sự tập trung và tinh thần sáng tạo.
Chất lượng đá nhỏ dùng để cào cũng không thể qua loa. Loại tốt nhất có kích thước từ 8–10mm, bề mặt thô ráp để giữ được nếp cào kể cả khi mưa gió thổi qua như một phép ẩn dụ về sự vững chãi trong nội tâm trước thử thách ngoại cảnh.
Ngày nay, việc tái tạo một vườn zen tại nhà không còn là điều quá xa vời. Chỉ cần vài tảng đá với hình dáng và màu sắc đa dạng, một chút hiểu biết về bố cục, và một khoảng sân nhỏ, người ta đã có thể tự tạo một vũ trụ thu nhỏ để lui về sau những xô bồ.