
Trong cuộc chuyển nhượng chất xám giữa chiếc ghế giám đốc sáng tạo, Jonathan Anderson tại Dior có lẽ là một trong số ít lựa chọn được giới mộ điệu tán thành. Được tung hô bao nhiêu, áp lực kỳ vọng cũng lớn bấy nhiêu. Vượt kỳ vọng hay thất vọng? Đúng với Dior hay đúng với Jonathan? Những nghi vấn đối lập xen kẽ tò mò từ giới mộ điệu có lẽ chưa được giải đáp hoàn toàn, nhưng gợi mở phần nào trong show diễn Dior SS26 Menswear.
Nó giống như việc học tiến sĩ vậy. Bạn sẽ đi sâu vào kho lưu trữ và cố gắng hấp thụ di sản đồ sộ của nhà mốt, rồi định hình lại nó
Jonathan Anderson
“Triển lãm” nghệ thuật của Jonathan Anderson
Jonathan Anderson bắt đầu cuộc khai quật kho lưu trữ của Dior bằng việc dựng một bức ảnh khổng lồ về cửa hàng thời trang đầu tiên của Christian Dior vào những năm 1950 tại Đại lộ Montaigne — ngay bên ngoài Invalides. Bên trong, sàn diễn lại kể một câu chuyện hoàn toàn khác như thể hé lộ chiến lược mới mà Anderson dành riêng cho màn chào sân đầu tiên của mình tại Dior.
@lvmh @Dior Summer 2026: Jonathan Anderson reimagines Dior’s iconic codes with a bold mix of art, history, and the Gemäldegalerie of Berlin. #LVMH #Dior #DiorSummer26 #TiktokFashion #ParisFasionWeek #PFW
♬ son original – LVMH
Khác với các bối cảnh hoành tráng tại Loewe, Dior SS26 Menswear diễn ra trong căn phòng trống với ánh sáng tự nhiên ngập tràn — được mô phỏng theo phòng trưng bày Gemäldegalerie của Berlin. Trên bức tường nhung là hai bức họa tĩnh vật của Jean Siméon Chardin — bậc thầy người Pháp về sự chiêm nghiệm sâu sắc về những điều nhỏ bé.
Trong khi đó, ghế ngồi là những bục gỗ được xếp cạnh nhau và gần sát với lối đi của người mẫu, để có thể chiêm ngưỡng được rõ nét các dụng ý mà Jonathan cài cắm trong ngôn ngữ thiết kế, cũng như tay nghề thủ công thượng hạng. “Đây là cách mọi người được xem các thiết kế couture trong salon ban đầu của Dior, nó thực sự gần gũi”, Jonathan chia sẻ trong buổi xem trước. “Tôi muốn mọi người có thể nhìn thấy vải và kiểu dáng, cho dù đó là màu vải của quần chino hay lụa moire trên áo ghi lê”.
Ở triều đại Loewe, tình yêu của Jonathan dành cho nghệ thuật được chứng minh hết lần này đến lần khác: không chỉ từ các màn hợp tác với nghệ sĩ, chiến dịch nghệ thuật, mà còn ăn sâu vào ADN thiết kế. Tại Dior, Jonathan rõ ràng đã vạch ra lối đi riêng dành cho mối tình lâu năm của mình với hội họa cổ điển. Tuy nhiên, ở show diễn ra mắt, nó được diễn giải cùng di sản của nhà mốt Pháp.
Những chàng trai Dior bạn chưa từng gặp
Trước khi “đặt bút” viết nên những quy tắc cho chương mới của mình tại nhà mốt Pháp, có lẽ Jonathan đã tự vấn rằng: Những chàng trai Dior trông như thế nào? Họ đối thoại với di sản và dòng chảy đương đại ra sao? Với bề dày lịch sử tham khảo, anh bắt đầu gỡ nút thắt với nỗi ám ảnh của người sáng lập dành cho văn hóa, thẩm mỹ Anh vào thế kỷ 18. Đương thời, Monsieur Dior từng tổ chức các buổi trình diễn tại The Savoy và Harrods — nơi ông đưa thương hiệu của mình đến gần hơn với tầng lớp quý tộc Anh.
Từ đó, Jonathan Anderson bắt đầu tái hiện hình ảnh nam giới Anh thế kỷ 18 và 19. Nhưng những hình bóng này không đơn thuần là phục dựng nguyên bản, mà theo cách nói của chính anh – đó là những “chàng trai du hành từ quá khứ”, mang theo âm vang của lịch sử để hòa mình vào dòng chảy đương đại.







Nét thẩm mỹ sử thi ấy, cùng cuộc đối thoại giữa quá khứ và tương lai, còn được khắc họa rõ nét hơn qua hai nguồn cảm hứng chính: nghệ sĩ Jean-Michel Basquiat và người phụ nữ thượng lưu Lee Radziwill — em gái của Jackie Kennedy. Cả hai đều là biểu tượng thời trang Mỹ vượt thời gian, nổi tiếng với phong cách may đo thanh lịch, mang dấu ấn cá nhân mạnh mẽ.
Từng vẻ ngoài là từng mảnh ghép tạo nên một câu chuyện về Oxbridge xuyên suốt nhiều thời đại. Phong cách preppy cổ điển — gắn liền với hai trường đại học danh giá Oxford và Cambridge được “phiên dịch” đầy hiện đại qua bản phối: áo khoác đuôi tôm mặc cùng quần âu/ jeans loe nhẹ, không có lớp áo lót nhưng những chàng trai Dior vẫn không quên thắt thơ cổ.














Bạn cũng có thể bắt gặp tầng lớp Ollie thượng lưu, nhưng với vẻ ngoài gần gũi và “bình dân” hơn rất nhiều: trong chiếc áo áo nỉ có khóa kéo màu xanh lá cây trơn có logo Dior ở mặt trước, hoặc áo len dệt kim màu pastel thanh tú. Trong khi, tầng lớp quý tộc Felix kiêu ngạo trở nên giản dị hơn với những chiếc áo ghi lê thêu tay tinh xảo — mặc bên ngoài áo sơ mi kết hợp với quần rộng thùng thình. Tinh thần hoàng gia Anh vẫn thấp thoáng đâu đó trong những chiếc áo choàng dệt kim đồ sộ hoặc trench coat thắt đai đầy quyền lực.
Từ chuyến xuyên không này, Jonathan Anderson phô bày trọn vẹn di sản cao quý của các xưởng may haute couture Dior. Tay nghề thủ bậc nhất thế giới tỏa sáng trên chi tiết thêu hoa, những chiếc cúc lưới, hay sắc hoa cà hòan hảo của chiếc áo gi-lê lụa moire.






Ảnh: iMAXtree
Đối thoại với nguồn cội
Jonathan Anderson mở màn Dior SS26 Menswear bằng chiếc áo khoác Bar — nền tảng của New Look. Đó là màn tri ân dành riêng cho ngài Dior, người đã định nghĩa bản sắc thương hiệu trong tâm trí công chúng suốt hơn nửa thế kỷ. Chiếc áo khoác kinh điển được Jonathan làm mới bằng chất liệu tuýt Donegal màu xanh lá cây, đến từ Ireland — một “twist” nhẹ nhưng đầy dụng ý về chất liệu, lịch sử và bản sắc của chính anh.








Chiếc áo sở hữu phần cổ được cắt may từ lụa faille đen, trong khi phom dáng đồng hồ cát đặc trưng được tái kiến tạo bằng vải canvas cứng, thay vì độn hông như truyền thống. Cách tiếp cận dựa trên kỹ thuật may đo dành cho nam giới này đã tạo nên hiệu ứng phẳng bất ngờ khi nhìn từ bên cạnh, thay vì những đường cong mềm mại đặc trưng ở áo bar dành cho nữ.
Xuyên suốt Dior SS26 Menswear, New Look của Jonathan ở địa hạt menswear được lặp lại trên một “công thức”: áo khoác bar mặc cùng quần short cargo ngắn có viền xếp nếp ở hai bên hông — một nghiên cứu mới dựa trên cấu trúc của một chiếc đầm mang tên “Delft”, thuộc bộ sưu tập couture mùa đông năm 1948 của Dior. Tổng thể diện mạo được hoàn thiện với tất thể thao, giày fisherman cùng chiếc nơ quấn to bản quanh cổ. New Look của Jonathan mang trên mình chuẩn mực nam tính đầy cổ điển, và kết hợp đầy thông minh với sự uyển chuyển phi giới tính.




Mặc dù được “đo ni đóng giày” theo tiêu chuẩn của Dior, nhưng những chàng trai Pháp dưới góc nhìn của Jonathan lại mang một vẻ bất cần bản năng — ăn mặc hở hang nhưng lại không lạc nhịp trên xu hướng hiện đại. Họ khiến những chiếc cà vạt được đeo ngược, nhét một nửa vào cổ áo, hay một nửa nhô ra ngoài trở nên hấp dẫn một cách lạ thường. Áo khoác ngoài được mặc hở một cách kỳ quặc ở một bên, như thể chúng bị cuốn vào một cơn gió mạnh, trong khi quần được xắn lên ở một bên và dài đến sàn ở bên kia.








Họ ăn mặc không theo thời. Có thể họ chỉ là một thí nghiệm về tính nam linh hoạt trong kỷ nguyên bứt phá của Jonathan. Họ chẳng phối đồ theo công thức. Đương nhiên, tủ quần áo của họ không có ngăn kéo nào dành riêng cho trang phục ban ngày hay ban đêm. Tất cả được diễn giải rõ nét qua cách áo sơ mi tuxedo và áo gi-lê được kết hợp với quần kaki và denim, khăn lụa được nhét bên dưới áo len, trong khi ống quần được ủi phẳng được nhét bên trong tất thể thao.
Phụ kiện cũng không nằm ngoài cuộc đối thoại giữa di sản và tương lai mà Jonathan đang khơi mở ở Dior. Ở Dior SS26 Menswear, dòng túi Dior Tote trứ danh của Maria Grazia Chiuri, được Jonathan làm mới bằng các bản sao bìa sách kinh điển như: “Dracula” của Bram Stoker, và “In Cold Blood” của Truman Capote. Đối với kiệt tác Lady Dior, Jonathan đã hợp tác với nghệ sĩ Sheila Hicks để phủ lên túi nhiều lớp tua rua dày đặc — một cú twist thơ mộng nhưng đủ táo bạo. Chúng là lời thì thầm về một di sản không thể phá vỡ của nhà mốt Pháp, như lần này đang được kể bằng bản sắc đương đại của người dẫn dắt mới.









