*Bài viết sẽ tiết lộ tình tiết phim!

Trong thời đại mà tình yêu dường như cũng có thể được số hóa trên các ứng dụng hẹn hò thành các tiêu chí rõ ràng—chiều cao, bằng cấp, mức thu nhập, chỉ số IQ và cả… “tỉ lệ hói” thì Một Nửa Hoàn Hảo (Materialists) không chỉ là một phim tình cảm sướt mướt thông thường. Nó là một câu hỏi mở về cảm xúc, về hệ giá trị con người, và trên hết, là phép thử cho thứ gọi là “môn đăng hộ đối” vẫn luôn tồn tại trong xã hội con người.
Ở trung tâm câu chuyện là Lucy (thủ vai bởi Dakota Johnson), một bà mối chuyên nghiệp tại New York—người dành cả ngày để kết nối những con người đang tìm kiếm “tình yêu lý tưởng”, nhưng lại chính là kẻ đã đánh mất niềm tin vào tình yêu. Công việc của cô được ví như làm việc trong nhà xác, vì mỗi profile khách hàng là một cái xác hoàn hảo thông qua tiêu chuẩn: cao trên 1m75, học trường Ivy League, không hút thuốc, không ly dị, không… lông rậm. Tình yêu trong thế giới của Lucy đã trở thành một bảng tính Excel lạnh lùng, nơi cảm xúc bị bỏ xó.

Và rồi hai người đàn ông bước vào đời cô. Một là Harry (Pedro Pascal)—mẫu “kỳ lân” hoàn hảo mà mọi khách hàng của Lucy đều mơ tưởng: giàu có, lịch thiệp, đẹp trai, sở hữu thứ khí chất xếp hạng A+. Người còn lại là John (Chris Evans)—người yêu cũ, nghèo kiết xác, giản dị đến mức không đáng được mai mối với ai được cả nhưng bên anh, cô được thoải mái, tự tin về bản thân.

Lựa chọn giữa hai người, thực chất là lựa chọn giữa hai hệ giá trị. Và điều bất ngờ là Lucy một người thuộc tầng lớp trung lưu hơn lại chọn John. Một người không “xứng đôi” về địa vị, nhưng chạm đến thứ cảm xúc nguyên bản nhất trong tình yêu sự kết nối thật sự. Phim đặt ra câu hỏi liệu “môn đăng hộ đối” còn ý nghĩa gì trong xã hội hiện đại? Khi mà đàn ông không chỉ bị đánh giá bởi nhân cách, mà còn bởi khả năng tài chính, xuất thân, và cả những thứ… chẳng liên quan gì đến tình cảm. Materialists không hẳn bênh vực tình yêu lãng mạn, nhưng nó buộc người xem rằng chúng ta đang yêu bằng cảm xúc thật, hay đang cố đóng vai “ứng viên sáng giá” trong một thị trường cạnh tranh đến nghẹt thở?
Ảnh: A24