Chỉ số hạnh phúc qua lăng kính truyền thông

Khi xem xét những nơi nên sống, một nguyên tố mà nhiều người để tâm là chỉ số hạnh phúc. Nhưng liệu con số đó có nghĩa lý hay chỉ là chiêu bài truyền thông?
By |
Facebook
chi-so-hanh-phuc-1
Ảnh: Getty Images

Trong kỷ nguyên mà bất ổn môi trường, chiến tranh và suy thoái kinh tế là những từ khóa định hình thời đại, “chỉ số hạnh phúc” bỗng nổi lên như một thuật ngữ thời thượng một loại thước đo mới thay thế cho GDP hay tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, đằng sau những bảng xếp hạng có vẻ long lanh và đầy tự hào ấy, liệu người dân thực sự cảm thấy hạnh phúc? Việt Nam đang đứng ở đâu trong cuộc chơi toàn cầu này và có thực sự là quốc gia hạnh phúc như thế giới vẫn đánh giá?

Một khái niệm, nhiều tính cách

“Chỉ số hạnh phúc” không còn là một khái niệm trừu tượng kể từ khi Liên Hợp Quốc công nhận ngày 20 tháng 3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Tuy nhiên, chỉ số này lại có nhiều dạng, mỗi loại phản ánh một phần thực tại khác nhau. Ví dụ, Happy Planet Index (HPI) chỉ số Hành tinh Hạnh phúc nơi Việt Nam từng xếp thứ 2, rồi nay tụt xuống hạng 35, được đo dựa trên mức độ thỏa mãn cuộc sống, tuổi thọ trung bình và dấu chân sinh thái. Trong khi đó, Chỉ số Phát triển Con người (HDI) nơi Việt Nam chỉ đứng ở hạng 93 lại phản ánh những yếu tố như tuổi thọ, giáo dục, thu nhập và cơ hội tiếp cận phúc lợi xã hội.

Sự chênh lệch này cho thấy: một quốc gia có thể thăng hạng nếu xét tiêu chí môi trường và sự thỏa mãn nội tại, nhưng lại tụt hạng nếu nhìn qua lăng kính cơ sở hạ tầng, y tế, và trình độ dân trí.

Chỉ số cao đồng nghĩa hạnh phúc?

Việt Nam thường xuyên xuất hiện trong các bảng xếp hạng tích cực đứng thứ 11 trong danh sách quốc gia đáng sống, thuộc top 10 điểm đến ẩm thực hấp dẫn, hay nằm trong nhóm quốc gia hạnh phúc đặc biệt trên thế giới. Tuy nhiên, cùng lúc, người dân vẫn chứng kiến cảnh giao thông ngập lụt, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vệ sinh thực phẩm đáng báo động, và sự quá tải trong giáo dục – y tế.

Một xã hội vẫn còn chứng kiến việc học sinh du học “một đi không trở lại”, người lao động tìm cách trốn ở lại khi xuất khẩu, hay tệ hơn, là các vụ việc bạo lực bộc phát từ va chạm nhỏ thì tất cả những hiện tượng đó phản ánh điều gì? Liệu một đất nước có thể thực sự hạnh phúc nếu niềm tin cộng đồng ở nông thôn ngày càng suy giảm, nếu người dân sống trong tâm thế so kè vật chất và dễ bị kéo theo cảm xúc đám đông?

chi-so-hanh-phuc-3
Bhutan được mệnh danh là “Vương quốc hạnh phúc” vì bước đi bất ngờ chuyển GDP bằng GNH. Ảnh: Getty Images

Nhìn qua Bhutan quốc gia đầu tiên thay GDP bằng Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH) thường được nêu như một hình mẫu. Tại đây, hạnh phúc được định lượng dựa trên 9 yếu tố từ giáo dục, văn hóa, môi trường, đến quản trị nhà nước. Song, chính các nhà xã hội học cũng đưa ra những cảnh báo: chỉ số hài lòng cao có thể dẫn tới nguy cơ tự mãn. Một dân tộc quá dễ chấp nhận thực tại có thể đánh mất khát vọng vươn lên điều từng xảy ra ở Uganda, nơi người dân nghĩ mình hạnh phúc vì… tiệc tùng triền miên.

Cập nhật định nghĩa hạnh phúc

Sự thật là Việt Nam có quyền lạc quan với những tín hiệu tích cực, an ninh ổn định, hệ thống đền chùa phong phú, di sản văn hóa dày đặc và đời sống tinh thần được chú trọng. Nhưng nếu xem những “lọt top” như bằng chứng không thể phản bác cho chất lượng cuộc sống, đó là một sự ngộ nhận nguy hiểm.

Bởi chỉ số hạnh phúc không chỉ là chuyện của bảng xếp hạng. Đó là một hệ sinh thái toàn diện bao gồm lòng tin xã hội, môi trường sống, cơ hội học hành, tự do cá nhân, và quan trọng hơn cả: khả năng cải thiện tương lai cho thế hệ kế tiếp.

chi-so-hanh-phuc-2
Ảnh: Getty Images

Trong một thế giới biến động, nơi các Hội nghị COP liên tục kêu gọi giảm phát thải và gìn giữ rừng nguyên sinh, Bhutan với cam kết giữ 60% diện tích rừng vẫn là hình mẫu về quản trị sinh thái. Trong khi đó, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nếu không song hành với chính sách kiểm soát môi trường và đầu tư bền vững vào giáo dục, y tế hai trụ cột của hạnh phúc con người thì các thứ hạng đẹp vẫn chỉ là bức tranh trang trí trên nền móng chưa vững.

Chỉ số hạnh phúc, rốt cuộc, không nên là nơi để tự ru ngủ, mà là hồi chuông đánh thức để mỗi quốc gia tự soi mình. Không chỉ để biết mình đang đứng ở đâu, mà còn để biết mình muốn đi về đâu. Trong một thế giới nơi bất kỳ ai cũng có thể sở hữu chiếc smartphone nhưng lại khó nói lời tử tế, “hạnh phúc” cần được định nghĩa lại không phải là cảm giác nhất thời, mà là một hệ giá trị cần được kiến tạo bền bỉ, từ từng con người trong xã hội.

What to read next

Sống thọ đến trăm tuổi giờ không còn là ước vọng xa vời, mà là mục tiêu hoàn toàn khả thi. Miễn là bạn bắt đầu chăm sóc chính mình đúng cách, từ hôm nay.
Bỏ thuốc lá, trong con mắt của y học hiện đại, không chỉ là từ bỏ một thói quen – mà là cuộc đối đầu không khoan nhượng với hai hệ thống lệ thuộc: một cơ chế sinh học và một ám ảnh tâm lý bám rễ sâu trong đời sống thường nhật.
Trong tâm thức của nhiều người, thiền thường gắn với hình ảnh một ông lão có vẻ mặt nghiêm trọng, ngồi bất động hàng giờ như đang rút lui khỏi cuộc sống. Một số khác xem thiền là hành động chỉ dành cho các nhà sư hay ẩn sĩ thoát tục những người được cho là đủ bản lĩnh để khước từ mọi quyến rũ của sắc dục, ái tình hay những tiện nghi vật chất đời thường.