
Biophilic design xuất hiện như một làn gió tươi mát giữa những đô thị phát triển quá đỗi nhanh chóng. Những toàn nhà chọc trời, những công trình khép kín giúp ta tối ưu hóa không gian và chống lại thời tiết mưa nắng thất thường nhưng cũng vô tình tự nhốt chúng ta vào “chiếc hộp bê tông”.
Sự chia ly với thiên nhiên này có thể đem đến nhiều mối nguy hại đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất, cũng như chất lượng cuộc sống của con người. Theo báo cáo Bringing Embodied Carbon Upfront của Hội đồng Xây dựng Xanh Thế giới, các tòa nhà cao tầng chiếm 39% lượng khí thải carbon toàn cầu. Trong số đó, 28% bắt nguồn từ năng lượng cần thiết để vận hành các công trình này, trong khi 11% phát sinh từ việc khai thác vật liệu trong quá trình xây dựng.
Biophilic design là gì?
Biophilic design giải nghĩa đơn giản là thiết kế ưa sinh học, lấy cảm hứng từ sinh học, cũng thường được gọi là kiến trúc xanh. Mục đích của xu hướng thiết kế này là đưa con người trở về với vòng tay ấm áp của mẹ thiên nhiên trong chính những không gian ta sống và làm việc.
Dù được xem là xu hướng thiết kế mới xuất hiện vào những năm 1980, được đặt tên bởi nhà tâm lý học Erich Fromm, nhưng các yếu tố cấu thành một Biophilic design chuẩn chỉnh đã ẩn mình trong nhiều công trình kiến trúc lịch sử như Vườn Treo Babylon, Vườn Thiền Nhật Bản, Đền Taj Mahal…
Công trình kiến trúc xanh không đơn giản là việc trồng vài chậu cây hay mở thêm cửa sổ (tuy nhiên bạn hoàn toàn nên thực hiện những điều này để không gian sống thêm tươi xanh). Biophilic design sẽ đan cài những yếu tố tự nhiên như ánh sáng, nước, cây cối trong quá trình xây dựng để chúng phát triển cùng tòa nhà/không gian.

Ba thể dạng của Biophilic design
Từ văn phòng làm việc, nhà ở cao cấp đến các khu nghỉ dưỡng, triết lý Biophilic design đang hiện diện ngày một rõ nét, đáp ứng nhu cầu sống gần thiên nhiên, sống lành mạnh giữa không gian đô thị.
Trên thực tế, Biophilic design được phát triển thành ba dạng thể chủ đạo, đại diện cho ba cấp độ kết nối giữa con người và tự nhiên:
Hòa mình vào thiên nhiên là cách đưa các yếu tố tự nhiên thật vào không gian sống như ánh sáng tự nhiên, cây xanh, mặt nước, luồng gió, âm thanh của suối chảy, thậm chí là động vật sống như cá, chim… Đây là cách tiếp nhất đến rung cảm con người một cách nguyên bản và mạnh mẽ nhất, giúp con người được phục hồi, tâm hồn được chữa lành ngay tức thì.
Lấy công trình Vườn Tao Đàn làm ví dụ. Đây là một nhà hàng chay mang dáng dấp độc đáo giữa lòng thành phố, được “gieo mầm” bởi các kiến trúc sư của a21studio và Atelier tho.A. Tên gọi “Vườn” không chỉ gợi đến không gian xanh của hơn chục loại cây, cỏ, mà còn phản ánh cách công trình đưa cây cối len lỏi vào giữa những mảng kim loại và khối gạch tái sử dụng từ một tòa nhà đã bị tháo dỡ trước đó. Tổng thể kiến trúc mang lại cảm giác như một thế giới hậu tận thế: gồ ghề, hoang hoải, nhưng ẩn chứa sức sống mới nảy mầm từ những đổ vỡ.

Mô phỏng thiên nhiên là cách sử dụng các yếu tố biểu tượng hoặc đại diện cho thiên nhiên như các vật liệu tự nhiên như gỗ, đá, tre; màu sắc gần với bản màu của rừng, của núi; ánh sáng nhân tạo mô phỏng ánh mặt trời; hoa văn sinh học… để tạo nên một tổng thể kiến trúc hữu cơ.
Ta có thể xem qua kiến trúc làm hoàn tòa từ tre của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa và Takashi Niwa thiết kế. Tọa lạc tại khu nghỉ mát Đại Lải tỉnh Vĩnh Phúc, hai công trình Bamboo Wing và Nhà hội nghị Đại Lải phải hòa hợp tuyệt đối với thiên nhiên giữa hồ nước ngọt. Và giải pháp mà họ đưa ra là sử dụng tre và thân luồng để đan cài và dựng nên toàn bộ không gian từ mái vòm, nội thất.

Trải nghiệm không gian và nơi chốn: Là cách tái hiện cảm giác “thuộc về thiên nhiên” qua cách tổ chức không gian như mở tầm nhìn hướng ra cây cối, xây dựng góc ẩn náu yên tĩnh, thiết kế hành lang uốn lượn như đường mòn, làm giếng trời đón gió và ánh sáng.
Ngôi nhà cấp 4 ở Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long được xây dựng với nguồn cảm hứng từ hang động Sơn Đoòng, Quảng Bình là một ví dụ cho loại kiến trúc xanh trải nghiệm không gian. Công trình được kiến trúc sư Ngô Việt Khánh Duy cùng các đồng nghiệp tại 23o5 SStudio thiết kế và xây dựng. Không gian bên trong hang động với sông ngầm, hố sụt đem ánh sáng tự nhiên bên ngoài vào và thảm thực vật — tất cả được mô phỏng lại qua những tiểu cảnh, vườn cây, giếng trời và hình dáng trần nhà thay đổi theo từng lớp không gian

Esquire Việt Nam