
Bhutan, vương quốc nhỏ bé nằm nép mình giữa dãy Himalaya, là một trong những quốc gia hiếm hoi còn giữ được cấu trúc xã hội, tín ngưỡng và đời sống bản địa gần như nguyên vẹn trước làn sóng toàn cầu hóa. Được mệnh danh là “Vương quốc rồng sấm”, đất nước này không chỉ mang trong mình vẻ đẹp siêu thực của thiên nhiên, mà còn là đại diện tiêu biểu của triết lý sống chậm, sâu và đủ đầy.
Không có cao ốc, không trung tâm thương mại, không biển quảng cáo. Bhutan đi ngược với tất cả mọi tiêu chuẩn về “phát triển hiện đại”. Nhưng chính nhờ đó, họ giữ được bản sắc điều mà nhiều quốc gia khác đang cố gắng tái thiết trong tuyệt vọng.
Mùa xuân ở vùng cao nguyên Bhutan
@christintheilig Punakka in Bhutan has to be on everyones bucketlist! Especially in springs its the most beautiful place! #bhutan #bhutantravel #punakha #asiatravel #offbeattravel
♬ Beautiful – Soft boy
Khi hoa anh đào Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan trở thành hình ảnh du lịch phổ biến, thì hoa đào Bhutan vẫn giữ cho mình một vẻ đẹp bí ẩn. Không được cắt tỉa công phu, cũng không nằm trong các tuyến điểm du lịch sắp đặt, hoa đào nơi đây mọc tự do ven đồi, bên dòng suối, quanh các dzong (kiểu kiến trúc pháo đài đặc trưng của Bhutan, vốn vừa là tu viện Phật giáo, vừa là trung tâm hành chính địa phương) cổ kính hay lối vào tu viện.
Chúng nở rộ mỗi tháng 4, trở thành điểm nhấn mơ màng cho mùa xuân vùng cao. Không ít người ví hoa đào Bhutan như một cô gái miền sơn cước kín đáo, hồn nhiên, và mang vẻ đẹp khó gọi tên. Trong khung cảnh ấy, mọi chuyển động từ một chú chó nằm phơi nắng đến bóng dáng sư thầy thong thả bước qua đều hòa quyện thành một bức tranh sống động nhưng yên tĩnh.
Lễ hội Tshechu

Vào mùa xuân, cố đô Punakha trở thành trung tâm văn hóa khi lễ hội Punakha Tshechu diễn ra trong khuôn viên pháo đài cổ lớn nhất vùng. Lễ hội nhằm tưởng niệm Đức Guru Rinpoche – người khai sáng Phật giáo đến Tây Tạng và Himalaya. Hàng ngàn người đổ về dzong, nhưng không có sự hỗn loạn thường thấy của lễ hội đại chúng.
Không có cảnh chen lấn, không loa phóng thanh, không cảnh sát kiểm soát gắt gao. Người Bhutan tuân thủ một cách tự nhiên những vạch kẻ chỗ ngồi, dùng tà áo che nắng để không chắn tầm nhìn người sau, và nhường chỗ tốt nhất cho du khách. Những điệu múa mặt nạ truyền thống do chính các nhà sư trình diễn không cầu kỳ, không gấp gáp, mà đầy tính biểu tượng và tâm linh.
Lễ hội là dịp để cộng đồng kết nối, không phải bằng âm thanh lớn hay màn trình diễn rực rỡ, mà bằng sự hiện diện nhẹ nhàng, đều đặn và đầy ý nghĩa.
Quốc gia không khói thuốc
Bhutan là nước duy nhất trên thế giới cấm tuyệt đối việc bán và hút thuốc lá. Lệnh cấm không chỉ là luật pháp mà trở thành một thói quen xã hội. Không ai tranh cãi, cũng không ai phàn nàn. Người Bhutan chọn hạnh phúc sạch theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Dẫu vậy, điều đó không đồng nghĩa với khổ hạnh. Ẩm thực Bhutan phong phú với các món thịt nấu cay đặc trưng cho khí hậu vùng cao, các món ăn chế biến từ bơ, phô mai, cùng những loại rượu gạo và bia thủ công. Họ không ăn chay triệt để, dù là đất nước đậm đặc tín ngưỡng Phật giáo Tạng truyền. Thay vào đó, họ sống theo tinh thần Phật giáo: điều độ, chừng mực và tôn trọng sự sống.
Chỉ số hạnh phúc là tất cả đối với Bhutan

Khái niệm Gross National Happiness (GNH – Tổng Hạnh Phúc Quốc Dân) được Bhutan đưa vào quản lý quốc gia từ thập niên 1970, như một phản ứng với các tiêu chí tăng trưởng lạnh lùng của GDP. GNH đo lường sự phát triển dựa trên chất lượng cuộc sống, môi trường, văn hóa và mức độ gắn kết cộng đồng.
Trong khi các quốc gia khác tranh cãi về tăng trưởng bao nhiêu phần trăm mỗi quý, Bhutan chọn cách đảm bảo người dân mình biết mỉm cười, biết cầu nguyện, và sống cùng thiên nhiên.
Bhutan kiểm soát nghiêm ngặt lượng khách du lịch hàng năm. Mức phí du lịch cao, yêu cầu visa, và sự giới hạn trong lưu trú khiến quốc gia này trở thành điểm đến không dành cho đại trà.
Nhưng chính điều đó tạo nên một Bhutan nguyên bản nơi giá trị văn hóa không bị thương mại hóa, nơi lễ hội vẫn còn linh thiêng, và nơi lòng tốt vẫn là một loại “tài sản quốc gia”.