
Khi Manchester United xác nhận sẽ góp mặt tại Lễ hội Bóng đá Việt Nam – Vương quốc Anh 2025 ở Đà Nẵng, cái tên Michael Owen lập tức được nhắc đến với sự háo hức đặc biệt. Cùng với những huyền thoại sân Old Trafford như Ryan Giggs, Paul Scholes, Dwight Yorke, Teddy Sheringham và Wes Brown, Owen đến Việt Nam không chỉ để tái hiện những ký ức vàng son của bóng đá Anh, mà còn để tận hưởng văn hóa và cảm nhận tình yêu mãnh liệt mà người hâm mộ nơi đây dành cho môn thể thao vua.
Trước giờ bóng lăn, Esquire Vietnam có dịp trò chuyện ngắn với Michael Owen. Trong khoảnh khắc ấy, ông đã dùng ba từ để nói về đất nước và người hâm mộ Việt Nam—ngắn gọn, nhưng đủ sức nặng để chạm đến trái tim những khán giả trung thành.
Hospitable. Beautiful. Hot.
Hiếu khách. Diễm lệ. Nồng hậu.

Michael Owen một trong những chân sút trứ danh nhất của bóng đá thế giới đầu thế kỷ 21. Khoác áo Manchester United giai đoạn 2009-2012 ông đã ghi 17 bàn qua 52 trận, đoạt ba danh hiệu là Ngoại hạng Anh, Cup Liên đoàn và Siêu Cup Anh đã dành 3 từ ngắn gọn để diễn tả Việt Nam.
Một câu nói tưởng chừng đơn giản, nhưng lại mở ra chiều sâu văn hóa Việt: nơi mà lòng mến khách không cần phải học, chỉ cần sống. Có lẽ Owen không ngờ rằng, những người từng thức trắng đêm chỉ để được nhìn thấy anh trên màn ảnh nhỏ, nay đã đứng ngay trước mặt, chìa tay ra bắt, trao nụ cười rạng rỡ, trong ánh mắt không giấu được niềm xúc động. Anh cảm nhận rõ sự nồng hậu ấy và chia sẻ “Mọi người đều rất hòa đồng và thân thiện khi chúng tôi đặt chân đến vùng đất này.”

Không khí hiện tại ở đây thì…rất nóng!
Câu nói ban đầu nghe có vẻ bông đùa, như một cách tránh né sự nghiêm túc. Nhưng nếu hiểu Owen, và hiểu cả bóng đá, ta sẽ nhận ra rằng cái “nóng” ấy không chỉ là thời tiết. Đó là cảm xúc cuộn trào mỗi khi Manchester United bước ra sân, là những tràng pháo tay không dứt, là ánh mắt háo hức, là sự chờ đợi đến nghẹt thở từ người hâm mộ. Giữa cái nắng 36 độ ở Hà Nội hay làn gió biển mằn mặn của Đà Nẵng, thứ khiến Owen thấy “nóng” không đơn thuần là nhiệt độ, mà là sự nhiệt thành, mến khách và chân tình của con người nơi đây.

Và cũng trong hành trình ấy, một Michael Owen khác đã hiện diện—không còn là biểu tượng tốc độ hay những pha bứt phá kinh điển, không nói nhiều về chiến thuật hay danh hiệu, cũng chẳng nhắc đến cú solo huyền thoại vào lưới Argentina ở World Cup 1998. Thay vào đó, anh kể về cảm xúc, chia sẻ trải nghiệm, chọn đi food tour thay vì đánh golf, và kiên nhẫn ngồi lại trả lời từng câu hỏi của người hâm mộ bằng một nụ cười thân thiện. Đó là hình ảnh của một người đàn ông đang học cách sống chậm lại—và cảm nhận sâu hơn.

Không ai mong Michael Owen phải viết một bài blog dài về Việt Nam. Chỉ ba từ là đủ.
Vì ở một độ tuổi nào đó, đàn ông không cần nói nhiều—chỉ cần nói đúng, và nói thật lòng. Những lời của Owen không màu mè, không cầu kỳ, nhưng đượm sâu sự thấu hiểu. Đó là vẻ đẹp tinh tế của trải nghiệm—của một người đã đi qua hào quang và bước vào giai đoạn mà sự giản dị chính là đẳng cấp. Anh không cố gắng tỏ ra xúc động, cũng chẳng cần đến mỹ từ để lấy lòng ai. Bởi có lẽ, chính Owen cũng bất ngờ với những gì mà dải đất hình chữ S này đã gợi lên trong anh.
Esquire Vietnam