Apple “thay máu” giao diện với Liquid Glass

Thay đổi lớn nhất của Apple tại WWDC 25 là giao diện "kính lỏng" xuyên suốt hệ sinh thái iOS 26
By |
Facebook
apple-liqud-glass-2
Giao diện của iOS 26. Ảnh: Apple

Mỗi năm một lần, Apple sẽ tụ hợp các lập trình viên và người yêu công nghệ đến trụ sở của mình và giới thiệu một loạt những cập nhật mới về phần mềm của hãng nhưng không phải năm nào những thay đổi ấy cũng thực sự tạo nên những cuộc bàn tán sôi nổi. Nhưng tại WWDC năm nay, điều đó đã xảy ra. Lý do không nằm ở phần cứng hay các cập nhật nhỏ lẻ, mà là vì sự ra đời của một ngôn ngữ thiết kế hoàn toàn mới Liquid Glass triển khai nó trên toàn bộ hệ sinh thái từ iOS, iPadOS, macOS, đến watchOS và cả visionOS.

Liquid Glass lấy cảm hứng từ hình ảnh những thấu kính lồi để làm nền tảng thiết kế thay vì các mảng màu phẳng, tối giản vốn đã trở thành chuẩn mực kể từ khi Apple giới thiệu iOS 7 vào năm 2013.

Với Liquid Glass, Apple tận dụng tối đa khả năng cảm biến và xử lý đồ họa của dòng các con chip mới trên iPhone,iPad và Macbook được đánh giá là quá mức sử dụng của người dùng thông thường. Đặc biệt là hiệu ứng góc nhìn (parallax) để tạo ra cảm giác rằng các thành phần giao diện thực sự được đặt phía trên một lớp kính cong, trong suốt, có chiều sâu và tương tác với ánh sáng môi trường.

Giờ đây các thành phần giao diện dường như nổi lên trên bề mặt, có chiều sâu, phản chiếu ánh sáng và tạo cảm giác sống động hơn hẳn. Gần như nó trở về một chút phong cách thiết kế của Apple dưới thời Steve Jobs khi các biểu tượng mang nặng tính mô phỏng thế giới thật.

ios18-vs-ios26
iOS 26 (bên phải) có các biểu tượng ứng dụng kiểu 3D hơn so với iOS 18 trước đó. Ảnh: Apple

Tư duy thiết kế mới được thể hiện rõ qua việc các biểu tượng ứng dụng được làm lại với hiệu ứng đổ bóng, đậm nhạt và xếp lớp, tạo cảm giác có chiều sâu hơn thay vì phẳng như trước. Các biểu tượng cũng trở nên tròn trịa và tinh tế hơn. Tuy nhiên, nhiều người dùng sau khi trải nghiệm phiên bản thử nghiệm đã nhận xét rằng giao diện mới này trông khá giống với nhiều mẫu Android hiện nay, đặc biệt là HarmonyOS của Huawei hay HyperOS của Xiaomi.

Những lo ngại cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt từ phía các lập trình viên. Họ đặt câu hỏi về tính khả thi trong việc áp dụng phong cách thiết kế mới, nhất là khi phải cập nhật toàn bộ ứng dụng để đồng bộ với giao diện mới của iOS. Khối lượng công việc tăng lên đáng kể do phải xử lý thêm nhiều hiệu ứng hình ảnh cũng khiến tiến độ cập nhật của các nhà phát triển bị chậm lại, dẫn đến sự thiếu nhất quán trong trải nghiệm giao diện người dùng.

Tuy nhiên, tình trạng này không hẳn là mới. Khi iOS 7 ra mắt vào năm 2013 với ngôn ngữ thiết kế phẳng, phải mất đến hơn ba năm để phần lớn các ứng dụng trên App Store được cập nhật và đồng bộ hóa hoàn toàn theo chuẩn thiết kế mới.

Esquire Việt Nam

What to read next

Thông qua những câu chuyện tưởng chừng giản dị, các tiểu thuyết và tản văn lại ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa sâu xa dưới từng con chữ.
Sân chơi menswear tại AVIFW Xuân Hè 2025 thu hút sự chú ý của làng mốt với ba xu hướng thời trang đặc sắc
Năm 2025, chúng ta sẽ phải học cách diễn giải ngôn ngữ phong cách của giày boat: đương đại và trẻ trung hơn