Potala – Pháo đài linh thiêng trên đỉnh Tây Tạng

Nằm sừng sững trên đỉnh Đồi Hồng giữa lòng Lhasa, Cung điện Potala không chỉ là biểu tượng quyền lực của các đời Đạt Lai Lạt Ma, mà còn là một kiệt tác kiến trúc phản chiếu chiều sâu văn hóa tôn giáo Tây Tạng.
By |
Facebook
potala-1
Ảnh: iVUVU.com

Trải qua biến cố lịch sử, Potala vẫn đứng vững như một chứng nhân, lưu giữ hàng ngàn pho tượng, kinh kệ và những bí ẩn huyền linh giữa tầng mây Himalaya.

Dấu ấn lịch sử trên đỉnh Marpo Ri

Cung điện Potala được dựng trên nền cũ của một pháo đài cổ do Tùng Tán Cán Bố vị vua đầu tiên thống nhất Tây Tạng xây dựng từ năm 637. Gần một thiên niên kỷ sau, vào năm 1645, công trình mới mang tên Potala bắt đầu hình thành dưới thời Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5. Ba năm sau, phần kiến trúc bên ngoài hoàn tất và chính phủ Tây Tạng chính thức chuyển vào sinh sống tại Bạch Cung khu nhà phía Đông của quần thể. Quá trình hoàn thiện nội thất kéo dài thêm hơn bốn thập niên, mãi đến năm 1694 – 12 năm sau khi vị Lạt Ma sáng lập qua đời công trình mới hoàn tất hoàn chỉnh, với sự bổ sung Hồng Cung vào giai đoạn cuối.

Potala từ đó trở thành cung điện mùa Đông chính thức của Đạt Lai Lạt Ma. Trải qua thời kỳ bất ổn, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa năm 1959 và Cách mạng Văn hóa 1966, nơi đây từng hứng chịu pháo kích và bị đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên, sự can thiệp cá nhân từ Thủ tướng Chu Ân Lai đã giúp công trình thoát khỏi số phận của hàng loạt cơ sở tôn giáo khác bị phá hủy. Dù phần lớn hiện vật quý giá bên trong đã bị hư hại, mất mát hoặc chiếm đoạt, kiến trúc tổng thể của Potala vẫn được bảo tồn đáng kể.

potala-2
Ảnh: Unsplash
@jennypictorial

Little Potala Palace, the Tibetan Buddhist jewel of Yunnan, China #china #yunnan #shangrila #tibetanbuddhism #香格里拉

♬ Prodigal – Evoe

Quy mô kiến trúc đồ sộ và tinh xảo

Toàn bộ công trình trải dài trên diện tích 400x350m, mặt tiền hướng Nam dài 400m. Với độ cao 117m từ chân đồi và hơn 3.700m so với mực nước biển, Potala nổi bật như một pháo đài giữa cao nguyên Tây Tạng. Tường đá dày trung bình 3m, có nơi tới 5m, với nền móng được gia cố bằng đồng nhằm chống động đất. Công trình gồm 13 tầng, chứa khoảng 1.000 phòng, 10.000 điện thờ và gần 200.000 tượng Phật và thần linh.

Potala chia thành hai khu vực chính: Bạch Cung – trung tâm hành chính, nơi sinh hoạt của Đạt Lai Lạt Ma, và Hồng Cung – nơi nghiên cứu tôn giáo, tụng niệm và lưu giữ linh tháp của các vị Lạt Ma quá cố. Các khu vực này được kết nối qua hành lang Deyangshar, thường được treo vải thêu lớn trong các dịp lễ tôn giáo quan trọng.

Kiến trúc Potala mang hình hài một pháo đài kiên cố nhưng không thiếu nét nguy nga. Mái bằng các tầng, những tháp mạ vàng, cầu thang đá nối liền các cấp độ, không gian tôn giáo, thư viện, nhà giam, chuồng ngựa và cả viện in kinh tạo nên một hệ sinh thái khép kín, biểu thị cho quyền lực thần quyền và thế quyền thời phong kiến Tây Tạng.

potala-3
Ảnh: Expedia

Hồng cung – Linh hồn tôn giáo của Potala

Là trung tâm tâm linh của quần thể, Hồng Cung nổi bật với màu đỏ thẫm, tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng và tôn kính. Đây là nơi đặt linh tháp của tám vị Đạt Lai Lạt Ma, các điện thờ lớn nhỏ, thư viện kinh kệ và vô số bức tranh tường mô tả lịch sử Phật giáo Tây Tạng.

Trong Hồng Cung, Đại Tây Sảnh là không gian rộng nhất, lưu giữ hình ảnh về Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 – người khởi công xây dựng cung điện – cùng cảnh ông diện kiến Hoàng đế Thuận Trị tại Bắc Kinh. Gần đó là điện thờ Tùng Tán Cán Bố, một công trình được xây dựng trên hang động cổ – nơi ông từng thiền định. Ngoài ra, các khu điện phía Bắc, Nam, Đông, Tây đều có vai trò đặc biệt, từ lưu giữ linh tháp bằng gỗ đàn hương và đá quý đến tưởng niệm các vị thánh và đại sư như Tsong Khapa hay Padmasambhava.

Hành lang tầng trên của Hồng Cung không chỉ mang chức năng thông gió và lấy sáng mà còn là nơi trưng bày các bức tranh mô tả quá trình xây dựng Potala. Các hành lang phụ dẫn lối đến khu mua sắm, khu điện Phật cổ và lăng mộ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 – một trong những điểm nhấn quan trọng của quần thể.

potala-5
Ảnh: CTB Global

Bạch cung – Trung tâm hành chính và tôn giáo

Được xây dựng song song với quá trình phát triển Hồng Cung, Bạch Cung là nơi diễn ra các hoạt động hành chính của chính phủ Tây Tạng cũ. Tại đây có nhà ở, văn phòng, chủng viện, nhà in và những không gian sinh hoạt của giới tăng sĩ. Phần mở rộng của Bạch Cung vào đầu thế kỷ XX dưới thời Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 phản ánh nỗ lực hiện đại hóa về tổ chức hành chính trong bối cảnh Tây Tạng chịu nhiều sức ép từ các thế lực bên ngoài.

Deyangshar – sân trung tâm nối liền hai khu – là nơi diễn ra các nghi lễ tôn giáo lớn, trong đó nổi bật là nghi thức treo tranh thêu khổng lồ vào dịp năm mới, tượng trưng cho sự giao hòa giữa giáo lý và cộng đồng.

Bảo tồn và tham quan hiện đại

Kể từ khi trở thành di sản thế giới, Potala chịu sự giám sát chặt chẽ từ UNESCO. Cơ quan này từng bày tỏ quan ngại về các công trình hiện đại mọc lên quanh cung điện làm ảnh hưởng đến cảnh quan. Chính quyền Trung Quốc sau đó ban hành quy định giới hạn chiều cao các tòa nhà xung quanh không quá 21m.

Trong các giai đoạn trùng tu từ 1989 đến nay, dù xuất hiện tranh cãi về vật liệu và phương pháp thi công, giới chức trách khẳng định vẫn sử dụng kỹ thuật truyền thống. Đặc biệt, từ năm 2006, khách du lịch bị cấm leo lên mái cung điện do lo ngại kết cấu bị suy yếu.

potala-6
Ảnh: CTB Global

Cung điện hiện mở cửa từ 9:00 đến 16:00, bán giới hạn 2.300 vé mỗi ngày và yêu cầu đặt trước trong mùa cao điểm từ tháng 5 đến 10. Du khách được phép chụp ảnh bên ngoài nhưng bị cấm mang kính râm, đội mũ hoặc giẫm lên ngưỡng cửa khi vào trong. Nét linh thiêng của Potala vẫn được giữ gìn như một biểu tượng bất biến giữa cao nguyên gió tuyết – nơi giao hòa của Phật pháp, lịch sử và bản sắc Tây Tạng.

What to read next

Rực rỡ, hào nhoáng, huyền bí – Rajasthan luôn mang đến cảm giác như bước vào một bộ phim sử thi. Nếu bạn đang lên kế hoạch khám phá Ấn Độ, đừng bỏ qua bang của những vị vua này.
Giữa lòng miền Bắc Thái Lan, Chiang Mai hiện lên như một bản giao hưởng chậm rãi của truyền thống và hiện đại.
Hành trình đến nơi đây là chuyến du ngoạn xuyên suốt các triều đại, các tôn giáo, và các phong cách kiến trúc từ thời cổ đại đến thời thực dân Anh.