Đã qua rồi cái thời những cuốn sách self-help lên ngôi, đưa ra hàng loạt lời khuyên thẳng thừng về cách sống và thành công. Ngày nay, cảm hứng sống được truyền tải theo một cách tinh tế và sâu lắng hơn thông qua những tiểu thuyết và tản văn chiêm nghiệm. Không áp đặt, không giảng dạy, mà nhẹ nhàng khơi gợi, những trang văn đang trở thành nơi để con người, đặc biệt là nam giới, tạm dừng nhịp sống gấp gáp và nhìn lại nội tâm của mình.
Văn chương không còn là lãnh địa riêng của kẻ “da sầu đa cảm”, mà đang ngày càng trở thành công cụ mạnh mẽ giúp phái mạnh hiểu rõ hơn về bản thân, cảm xúc, các mối quan hệ và thế giới xung quanh. Đọc tiểu thuyết không khiến bạn “mềm yếu” đi mà trái lại, khiến bạn mạnh mẽ hơn vì bạn hiểu mình hơn. Dưới đây là vài gợi ý sách vừa ra mắt gần đây với giọng văn giản dị nhưng sâu sắc mà bạn có thể sẽ muốn lật thử vài trang.
Chúng Ta Sống Để Bước Tiếp – Nguyễn Phong Việt

Là phần kế tiếp của Chúng Ta Sống Để Lắng Nghe, Chúng Ta Sống Để Bước Tiếp gồm hơn 40 tản văn lấy cảm hứng từ những câu chuyện đời thường mang nguồn năng lượng tích cực. Nguyễn Phong Việt chia sẻ rằng anh muốn những câu chuyện trở thành thúc giục khẽ khàng nhưng mạnh mẽ nghỉ ngơi đã đủ rồi, giờ là lúc cần tiến lên.
Với kết cấu tản văn ngắn, bạn có thể hoàn thành một câu chuyện trong vỏn vẹn giờ nghỉ trưa hay cũng là một cách hay để hạn chế thời gian sử dụng điện thoại liên tục. Chúng tôi khuyên bạn háy bắt đầu với những câu chuyện như Buổi sáng hôm đó, tôi nhìn thấy một bông hoa; Những đêm ngước nhìn lên bầu trời; Về nhà để ba cắt tóc; Đừng để lời xin lỗi trở thành một món nợ…
Trôi – Nguyễn Ngọc Tư

Trong tập truyện Trôi, Nguyền Ngọc Tư vẫn trung thành với bối cảnh miền Tây sông nước, nơi đất đai vẫn âm thầm lún xuống từng năm, dòng nước vẫn bồi lở đôi bờ, và con người, dẫu đứng yên hay đang đi, vẫn là một phần của chuyển động ấy. Mọi thứ hiện lên như một dòng chảy lững lờ, đôi khi dữ dội, đôi khi chậm rãi như con nước đêm trăng không nhằm dẫn dắt mà để người đọc tự cảm nhận.
Mỗi truyện là một mảnh vỡ bắt đầu từ một chi tiết nhỏ, lan ra thành một bức tranh không trọn vẹn, không kết thúc. Nhân vật trong truyện không đi tới mà cứ mắc kẹt, lửng lơ giữa những lựa chọn, những khát khao mơ hồ, như mang trong mình một nỗi đói xa xôi chưa thể gọi tên.
Tiệm sách của nàng – Nguyễn Nhật Ánh

Nhắc đến những tác giả tiểu thuyết ra mắt sách đều đặn và bền bỉ, không thể không kể đến Nguyễn Nhật Ánh. Vẫn là những câu chuyện “tình yêu những đứa trẻ con thì vu vơ nhanh qua”, nhưng rồi ai nghĩ rằng ”tương tư đến dài như thế”. Lần này, lấy bối cảnh tại một hiệu sách nơi Di (quản lý hiệu sách) và Quyến tình cờ gặp lại nhau, mở ra mối liên kết giữa ba câu chuyện diễn ra song song. Vẫn là giọng văn dung dị, giàu cảm xúc và đây tính nhân văn nhưng cuốn sách cũng đòi hỏi người đọc phải thật tập trung để theo dõi mạch truyện đan xen giữa ba tuyến nhân vật.
Hoa xuân trong gió xuân – Nguyễn Bích Thúy

Tập truyện Hoa xuân trong gió xuân gồm 19 truyện ngắn chọn lọc của nhà văn Đỗ Bích Thúy về cuộc sống miền Tây Bắc. Giọng văn mộc mạc, đã khắc họa chân thực quang cảnh và nội tại của những người dân tộc thiểu số như Tày, Mông, từ cô gái dám chạy trốn khỏi đám cưới để theo đuổi tình yêu đến những cô giáo bám bản, kiên trì gieo chữ nơi heo hút. Xen kẽ là các truyện về người Hà Nội, cho thấy sự tinh tế trong cốt cách, tình thân và nếp sống của người thành thị.
Với Hoa xuân trong gió xuân, Đỗ Bích Thúy không chỉ thể hiện sự gắn bó máu thịt với núi rừng, mà còn mở rộng biên độ sáng tác, mang đến một thế giới nhân văn, lặng lẽ mà sâu lắng.
Những đứa trẻ thượng lưu – Ngô Hiểu Lạc

Là câu chuyện sâu sắc về tham vọng, ảo mộng và những đánh đổi âm thầm của người làm cha mẹ. Nhân vật chính, Trần Vân Nhàn, một phụ nữ tỉnh lẻ lấy chồng tại thủ đô đặt trọn kỳ vọng vào con trai nhỏ và khao khát cho con được học trong môi trường thượng lưu. Một cơ hội bất ngờ đưa mẹ con cô bước chân vào thế giới hào nhoáng ấy, nhưng cũng chính từ đây, Vân Nhàn dần nhận ra những cạm bẫy được giăng sẵn phía sau vẻ ngoài hào nhoáng, nơi giấc mơ của cô có thể trở thành bi kịch cho con trai mình.
Bằng giọng văn dung dị và mạch kể đan xen giữa quá khứ và hiện tại, tác phẩm không chỉ phản ánh bức tranh xã hội hiện đại của Đài Loan mà còn chạm đến những vấn đề rất gần gũi với người Việt Nam, nơi các bậc phụ huynh cũng đang quay cuồng vì giấc mơ thành công của con cái. Tác phẩm đặt ra một câu hỏi day dứt: Phải chăng, trong hành trình nuôi dạy con, nhiều người lớn đã nhầm lẫn giữa ước mơ của con và kỳ vọng chưa thành của chính mình?
Đội lốt da vàng (Yellowface) – R.F.Kuang

Là tiểu thuyết mới nhất và gây tiếng vang nhất của R.F. Kuang, Đội lốt da vàng phơi bày mặt tối của ngành công nghiệp xuất bản, cùng với những vấn đề nhức nhối như chiếm dụng văn hóa, sự bất bình đẳng trong đại diện và quyền lực trong giới nghệ thuật.
Câu chuyện xoay quanh June Hayward, một nhà văn da trắng kém nổi, người đã đánh cắp bản thảo của người bạn thân quá cố gốc Á, Athena Liu, và xuất bản nó dưới tên mình để tìm kiếm sự công nhận mà cô luôn khao khát nhưng không bao giờ có được. Từ đây, tác phẩm đưa độc giả vào hành trình tâm lý đầy phức tạp và bất ổn, nơi ranh giới giữa tham vọng và đạo đức ngày càng mờ nhạt.
Ngày mai, ngày mai, và ngày mai nữa – Gabrielle Zevin

Có thể là chiếc bìa sách kém thẩm mỹ nhất so với những tác phẩm còn lại, nhưng bên trong Ngày mai, ngày mai, và ngày mai nữa lại chứa đựng những câu chuyện cảm động và sâu sắc về tình bạn kéo dài suốt hàng thập kỷ.
Ở tuổi đôi mươi, Sam và Sadie mang theo đầy những hoài nghi, tổn thương, sự ngạo mạn của tuổi trẻ và cả cô đơn. Tác phẩm đưa ta xuyên suốt những giai đoạn phát triển của họ, vừa là con người, vừa là nghệ sĩ – những người tin rằng game có thể là một hình thức nghệ thuật, và sáng tạo là cách họ hiểu thế giới.
Đây không phải một câu chuyện tình yêu, nhưng lại là một cuốn tiểu thuyết tình cảm theo nghĩa rộng nhất về sự gắn bó, về mất mát, về việc ta có thể lớn lên cùng ai đó mà không cần phải nắm tay họ.
Mê cung của linh hồn (The Labyrinth of the Spirits) – Carlos Ruiz Zafón

Lại là một cuốn sách dày khác của tiểu thuyết gia Carlos Ruiz Zafón (hơn 800 trang). Mê cung của linh hồn là phần khép lại chuỗi tiểu thuyết về những mảnh đời bình dị giữa khói lửa chiến tranh. Tuy nhiên, ở phần này, tác phẩm đi sâu hơn vào những mất mát, ám ảnh còn kéo dài suốt 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Câu chuyện mở đầu khi một nạn nhân từng mất cả cha lẫn mẹ trong vụ đánh bom Barcelona thời nội chiến Tây Ban Nha buộc phải bước vào hành trình điều tra sự biến mất bí ẩn của một nhân vật chủ chốt từng liên quan đến vụ án năm xưa.
Cửa hàng tiện lợi bất tiện (The Second Chance Convenience Store) – Kim Ho-yeon

Cửa hàng tiện lợi bất tiện kể về câu chuyện ấm áp giữa một bà chủ tiệm tạp hóa và một người đàn ông vô gia cư.
Khi Dok-go, người đàn ông không nhớ gì về quá khứ của mình, nhặt được chiếc ví đánh rơi của bà Yeom, chủ tiệm tạp hóa trong khu phố, một mối liên kết bất ngờ được hình thành. Từ một bữa ăn cảm ơn đơn giản, bà Yeom đã mời anh làm việc tại tiệm và mang đến cơ hội thay đổi cuộc đời cho người đàn ông từng đánh mất tất cả. Dok-go không chỉ trở thành một phần của cộng đồng mà còn giúp bà Yeom vực dậy cửa hàng trước nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, những bí mật trong quá khứ của anh lại đe dọa sự bình yên mà họ vừa xây dựng.
Hẹn nhau tháng Tám (Until Agust) – Gabriel García Márquez

Một tác phẩm cuối cùng đầy bất ngờ và nhục cảm từ Gabriel García Márquez, mười năm sau khi ông qua đời. Hẹn nhau tháng Tám kể về một người phụ nữ trung niên với cuộc sống tưởng như viên mãn, nhưng mỗi năm đều có một cuộc hẹn đặc biệt vào ngày 16 tháng 8 trên một hòn đảo Caribe. Ở đó, giữa những cơn mưa nhiệt đới, âm nhạc cháy bỏng và những mối tình thoáng qua, Ana dấn thân vào hành trình khám phá những khát khao thầm kín, những bí mật của bản ngã và tình yêu.
Esquire Việt Nam